Trong khi dân chúng Mỹ chứng kiến cuộc vận động tranh cử tổng thống và Quốc
Hội, dân Trung Quốc cũng chờ đợi sắp được thấy những lãnh tụ mới. Nhưng cách bầu
cử các người lãnh đạo ở hai nước dân chủ và cộng sản khác nhau.
Ở Mỹ, đến trước ngày bầu cử người ta cũng không dám quả quyết ai sẽ làm tổng
thống trong bốn năm tới. Ở Trung Quốc, mọi người đều biết trước, từ hai năm nay,
là ông Tập Cận Bình sẽ lên thay ông Hồ Cẩm Ðào vào Tháng Ba, và chắc sẽ ngồi đó
trong 10 năm liền. Ở Mỹ thì các ứng cử viên vận động công khai, đả kích nhau tơi
bời để giành lá phiếu của dân. Ở Trung Quốc, chỉ có 2,200 đại biểu thuộc đảng
Cộng Sản được đi bầu, và trong tuần này họ sẽ bỏ phiếu theo sự “hướng dẫn” của
các quan ở trên cùng. Người dân Trung Quốc chỉ đóng vai khán giả.
Mặc dù việc bầu cử đã được giàn dựng trước như một vở Tuồng Bắc Kinh, nhưng
chính quyền cộng sản vẫn lo các trở ngại. Từ tháng trước, nhiều hành khách ngồi
trong xe taxi ở Bắc Kinh ngạc nhiên khi thấy bên trong cánh cửa xe không còn cái
tay quay hay nút bấm để vặn cửa kính lên xuống. Người nào muốn mở cửa kính để
ngắm cảnh rõ hơn, để chụp hình hay chỉ để khạc nhổ, đành phải nhịn. Hỏi tài xế,
họ sẽ nói, đó là do công ty chủ xe đã tự sửa, tháo gỡ bộ phận mở cửa kính xe đi.
Hỏi chủ xe, họ sẽ nói, đó là lệnh của công an. Dân Bắc Kinh, các hành khách đành
chịu. Các chủ xe giải thích rằng, cảnh sát đã báo trước, nếu có người nào mở cửa
kính taxi để ném truyền đơn ra đường thì công ty sẽ bị ghép chung vào tội phản
động; khó mà làm ăn tiếp.
Ðóng kín cửa taxi là một biện pháp của đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng)
chuẩn bị tiếp đón các đại biểu tới dự đại hội đảng, năm năm họp một lần, trong
tuần này, để bầu lên 370 người vào trung ương đảng. Những ủy viên này sẽ bầu các
chức vụ cao hơn, theo một danh sách đã được Bộ Chính Trị chọn trước.
Dù đã dùng mọi biện pháp an ninh tối đa, Cộng Sản Trung Hoa cũng không ngăn
cản được hàng ngàn sinh viên biểu tình tại quận Rebkong, miền Ðông xứ Tây Tạng,
Tibet, phản đối chính sách diệt chủng văn hóa của Trung Cộng. Nhưng mối lo lắng
của đảng Cộng Sản không phải là đàn áp người Tây Tạng yêu nước, mà lo đối phó
với chính người dân Trung Hoa. Vào giữa Tháng Chín vừa qua, ủy ban phụ trách cải
tổ trong chính quyền Bắc Kinh mời 70 nhà trí thức đến họp kín ở một khu nghỉ mát
ngoại ô Thượng Hải. Theo lời thuật lại của một chuyên viên kinh tế làm việc cho
ngân hàng Merrill Lynch tham dự cuộc họp, viết trên Trang Mạng Tài Tân
(Caixin.com, Tài Tân Võng), thì nhiều nhà học giả trong lục địa mô tả Trung Quốc
đang sống trong cảnh “dân chúng ở dưới cùng thì bất ổn, giới trung lưu thì bất
mãn, và tầng lớp trên cùng thì bất trị, không thể kiểm soát được họ nữa”.
Tình trạng nông dân khắp nơi biểu tình chống tham nhũng, lạm quyền đã lan
tràn và tin tức được phổ biến không thể chối cãi; và ở nhiều nơi chính quyền đã
phải nhượng bộ các đòi hỏi của họ, có nơi còn cho dân bỏ phiếu tự do chọn người
cai trị. Dân các thành phố cũng biểu tình phản đối hệ thống ống cống hôi thối,
cho tới chống lại những nhà máy gây ô nhiễm, nhiều nơi chính quyền phải đóng cửa
hoặc bãi bỏ các dự án sắp kiến thiết.
Nhưng tầng lớp sống cao nhất trong chế độ cũng đang tranh giành nhau địa vị,
mà địa vị là nơi để tạo thêm tài sản. Vụ cất chức Bạc Hy Lai và đưa bà vợ là Cốc
Khai Lai ra tòa về tội giết người chỉ là một thí dụ nổi bật của cảnh tranh chấp
quyền hành trên cấp cao nhất. Trước ngày đại hội đảng khai mạc, cả nước đã
chuyền nhau bản tin trên tờ New York Times mô tả tài sản của vợ, con, anh em, và
cả bà mẹ già của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo. Trong vòng 10 năm ông nắm quyền, họ đã
thu gom được một gia tài trị giá khoảng 2 tỷ, 700 triệu đô la Mỹ. Công an mạng
đã cấm không cho ai tìm được thông tin nào trên mạng liên quan đến tất cả các
chữ “ôn” (nghĩa là ấm) nếu đi đôi với chữ “tài sản;” hoặc tìm chữ “thủ tướng”
kèm theo chữ “phe cánh”. Cũng vậy, trong một tháng qua, các mạng Internet ở
Trung Quốc cũng bị cấm không cho tìm hiểu về tiểu sử của một đại gia, Lương Ổn
Căn (Liang Wen’gen), một doanh nhân giàu bậc nhất nước đã gia nhập đảng Cộng
Sản, và hy vọng sẽ là nhà tư doanh đầu tiên được bầu vào ban chấp hành trung
ương đảng. Từ giữa Tháng Sáu, công an mạng đã cấm một bản tin khác của hãng
thông tấn Bloomberg, trong đó họ trình bày kết quả điều tra về gia sản của ông
Tập Cận Bình, người sẽ lên thay Hồ Cẩm Ðào sau kỳ đại hội này. Bản tin Bloomberg
cũng như báo New York Times đều mô tả những vụ mua bán các công ty và các ngân
hàng của thân nhân hai nhà lãnh đạo Trung Cộng, nhờ đó họ kiếm hàng trăm triệu
hoặc hàng tỷ. Các ký giả không công khai chỉ trích các ông này về tội tham
nhũng, nhưng chỉ cần nhìn vào các cuộc trao đổi của gia đình họ trong thương
trường là người ta thấy lúc nào cũng có “xung khắc quyền lợi công và tư;” đặc
biệt như khi một công ty do con hay em của người cầm quyền lại được thầu làm
những công tác do cơ quan của người đó phụ trách; hoặc ông thủ tướng ký một nghị
định rồi ngay hôm sau người em kiếm bạc triệu nhờ nghị định đó được thi
hành.
Cũng trong Tháng Chín, Giáo Sư Ðặng Duật Văn (Deng Yuwen) viết trên tạp chí
Tài Kinh (Caijing) báo động cơn khủng hoảng quyền bính trong xã hội Trung Quốc.
Một nguyên nhân, theo ông là tình trạng chênh lệch giàu nghèo quá nặng, trong
khi dân chúng đang đòi hỏi đảng Cộng Sản phải trả lại quyền quyết định cho dân
mà đảng thì không thể thỏa mãn họ. Chính ông, một nhà nghiên cứu làm việc cho bộ
máy tuyên truyền của nhà nước, tự giới thiệu mình như một tiếng nói đòi tự do và
tranh đấu cho dân chủ. Bài viết này bị gỡ ra khỏi mạng sau mấy giờ đồng hồ,
nhưng vẫn được các công dân mạng lưu giữ.
Chính những người ngồi trên tầng lớp cao nhất của xã hội cũng không tin rằng
nó tồn tại được mãi. Vì vậy, nhiều người đã lo tẩu tán tài sản ra những nước mà
họ thấy tiền bạc của họ được bảo đảm vì chế độ kinh tế tự do hơn. Ngân hàng
Standard Chartered đã tính trong quý thứ ba năm nay Trung Quốc thâu vào 108 tỷ
đô la qua các việc xuất cảng nhiều hơn nhập cảng hoặc thêm đầu tư từ ngoài vào.
Nhưng trên bảng kế toán thì chỉ thấy quỹ ngoại tệ tăng lên 28 tỷ. Ðiều này có
nghĩa là 80 tỷ Mỹ kim đã được chuyển từ trong nước ra ngoài.
Mặc dù đã hô hào cải cách kinh tế hơn 30 năm qua, Trung Quốc vẫn chưa thực sự
có tự do ngay trên lãnh vực này. Trong bảng xếp hạng các nước trên thế giới, chỉ
số tự do kinh tế của Trung Quốc đứng dưới 99 quốc gia khác. Vì vậy, những người
kiếm ra tiền cũng không biết bao giờ sẽ mất vì các chính sách bất ngờ và bất
chấp cả luật lệ lẫn nguyên tắc của nhà nước có thể làm tài sản của họ biến mất.
Ðiển hình nhất là đảng Cộng Sản Trung Quốc đang bóc lột mọi người dân với các
công ty quốc doanh độc quyền muốn tính giá nào dân cũng phải chịu; mặt khác, các
ngân hàng quốc doanh thì trả lãi suất rất thấp để dân tiết kiệm rồi gửi tiền vào
cho nhà nước đem cho các doanh nghiệp của họ vay, nhiều khi không trả được. Một
công ty nghiên cứu tài chánh quốc tế đã tính rằng riêng việc trả lãi suất thấp
cho trương chủ, thay vì trả lãi suất theo cung cầu của thị trường, đã làm thiệt
hại cho dân chúng cả nước gần 200 tỷ Mỹ kim một năm (1,160 tỷ đồng nguyên). Tình
trạng quyết định trong ngành viễn thông, tha hồ tính giá cao, cũng cướp lấy của
dân mất mỗi năm hơn 70 tỷ đô la (442 tỷ nguyên).
Công ty nghiên cứu Hurun tại Trung Quốc thấy rằng trong số những người Trung
Hoa với tài sản đầu tư từ 10 triệu nguyên trở lên thì họ giữ gần một phần năm
(19%) tài sản ở nước ngoài; 85% đã gửi con ra ngoại quốc; và 44% đã thành di dân
ở nước khác hoặc đang làm thủ tục di cư. Làm cách nào người ta chuyển tiền đi?
Không kể những vụ làm ăn lẻ, trên mặt xuất nhập khẩu đã có những kẽ hở lớn để
chuyển tiền. Chỉ cần xuất cảng 100 đô la trong khi hóa đơn ghi chỉ có 80 đô la,
người ta đã “để dành” được 20 đô la cất giữ trong ngân hàng ngoại quốc. Ngược
lại, nhập cảng 100 đô la mà hóa đơn ghi 120 đô la, cũng làm tăng tài sản được 20
đô la ở nước ngoài. Viện nghiên cứu Global Financial Integrity đã tính ra trong
năm 2011, số chênh lệch kiểu trên đã giúp các đại gia cất giữ được khoảng 430 tỷ
Mỹ kim trong các ngân hàng ngoại quốc.
Con số trên cho thấy thống kê về kinh tế của Trung Quốc còn chưa đếm tới
những khoản tiền khổng lồ này. Tức là sức mạnh kinh tế của hơn một tỷ người
Trung Hoa còn cao hơn những con số thống kê chính thức! Nhưng sức mạnh đó đã tạo
ra các tài sản mà chỉ có một thiểu số được hưởng! Và trong đám đó, phần lớn đã
tẩu tán ra ngoài, trước khi chế độ sụp đổ!
Tình trạng kinh tế đó đã được ông Ôn Gia Bảo mô tả là “không cân bằng, không
điều hợp và không thể bền vững”. Những đặc tính đó lại được ông Hồ Cẩm Ðào nói
ra trong bản báo cáo trước đại hội. Trong 100 phút bài diễn văn này cũng cảnh
cáo “nạn tham nhũng sẽ làm sụp đổ đảng và nhà nước”. Nhưng sau khi thú nhận các
căn bệnh của đất nước, ông Hồ Cẩm Ðào vẫn chỉ nêu ra những phương thuốc cũ, với
những khẩu hiệu đã được lập đi lập lại hàng trăm lần.
Trước ngày đại hội đảng khai mạc, một bài báo đã xuất hiện trên tạp chí Nhân
Dân Luận Ðàn, một phụ bản của nhật báo Nhân Dân. Trong bài đó, Giáo Sư Viên
Cương (Yuan Gang) thuộc Ðại Học Bắc Kinh đã nói thẳng: “Một xã hội kiểm soát quá
chặt chẽ, người dân chỉ được nói và làm theo lệnh trên, và trong đó không ai
được tự do hành động, thì sẽ bị chấm dứt nhanh chóng.” Ông Hồ Tinh Ðẩu (Hu
Tingdou,) giáo sư Học Viện Kỹ Thuật Công Nghiệp cho biết hiện nay nhiều nhà trí
thức Trung Hoa đang bàn bạc về giả thuyết là một đảng độc quyền cai trị thường
chỉ kéo dài được 70 năm. Họ dựa trên kinh nghiệm ở Liên Xô, đảng Cộng Sản lên
năm 1917 và sụp đổ năm 1991; cùng với kinh nghiệm ở Mexico, nơi đảng Cách Mạng
Ðịnh Chế cũng chỉ nắm quyền được bấy nhiêu năm thì bị gạt đi khi dân chúng bầu
cho đảng đối lập. Nếu lý thuyết này đúng, thì đảng Cộng Sản Trung Quốc chắc sẽ
phải rời khỏi chính quyền vào năm 2019, tức là bảy năm sau khi ông Tập Cận Bình
nhận chức!
Nguồn: Nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét