Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Liên Bang Nga và Á Châu Thái Bình Dương

Những ngày cuối tuần 8 và 9 tháng 9 dương lịch năm 2012, l ãnh đạo của các quốc gia trong Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Coperation) gọi tắt là APEC sẽ nhóm họp tại hải đảo Russky Island thuộc Vladivostok, miền Viễn Đông nước Nga. Người ta thường nghĩ rằng nếu năm 2011, Hội Nghị khai diễn tại Honolulu và Mỹ đã thành công phát khởi Chiến Lược Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương thì năm nay Liên Bang Nga, quốc gia chủ nhà đang lo liệu tổ chức, cũng không bỏ lỡ cơ hội tìm một thế đứng có lợi trong khu vực.

Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương được thành lập năm 1989, nhằm khích lệ sự phát triển kinh tế, hợp tác, thương mại, đầu tư trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Đến nay APEC gồm có 21 hội viên : Úc Đại Lợi, Brunei Darussalam, Gia Nã Đại, Chi Lê, Trung Cộng, Hồng Kông, Nam Dương, Nhật Bản, Nam Hàn, Mã Lai, Mễ Tây Cơ, Tân Tây Lan, Papua, New Guinea, Peru, Phi Luật Tân, Liên Bang Nga, Tân Gia Ba, Đài Loan, Thái Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam.  APEC chiếm khoảng 55% GDP toàn cầu với số dân 41% nhân loại.  

Bản đồ điạ lý thế giới chia Thái Bình Dương làm hai phần : Bắc Thái Bình Dương và Nam Thái Bình Dương nhưng trên lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế…người ta thường nhắc đến Tây Thái Bình Dương và Đông Thái Bình Dương. Trong nhiều thế kỷ qua, vùng Tây Thái Bình Dương chưa bao giờ được thái bình yên ổn lâu dài như tên gọi. Suốt từ bán đảo Triều Tiên đến eo biển Malacca, là những đấu trường đẫm máu do chống ngoại chủng xâm lăng hoặc gây tạo hận thù giai cấp trong cùng một dân tộc.  Mãi đến ngày nay, những chuyển biến thời sự vẫn tiếp tục căng thẳng hằng ngày, hằng tháng suốt vùng từ Bắc xuống Nam, tình hình Khu Vực càng thêm phức tạp và trầm trọng. Nhân dịp nhìn lại tổng quát một số sự kiện liên hệ cần thiết dùng làm cơ sở ban đầu cho dòng suy tư cuà mỗi người Việt Nam về sự sống còn cuả dân tộc trong thời đại toàn cầu hoá.

1 / Liên Bang Nga tái xác định chính sách kinh tế trong Vùng Đông Á.
Những năm trước đây, chính sách mậu dịch của Nga với các quốc gia Á Châu Thái Bình Dương vẫn dựa trên quan hệ hợp tác song phương. Vì thế một số quan niệm đang hình thành cho rằng chinh sách nầy không còn hiệu quả và làm xói mòn những cơ hội phát triển đất nước.

Nước Nga đang tìm kiếm một mô hình thích hợp để gia nhập vào những diễn biến kinh tế xuyên qua toàn Vùng Đông Á. Mạc Tư Khoa đang gia tăng sự hiện diện trên các Diễn Đàn đối thoại đa phương như là Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC), Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (The Shanghai Cooperation Organisation – SCO), Diễn Đàn Khu Vực Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN Region Forum) và nhiều tổ chức khác nữa.

Nhiều trường hợp trong quá khứ, Nga tỏ ra ít quan tâm đến những chương trình của cơ chế APEC như là Ủy Ban Kinh Tế, Uỷ Ban Thương Mại và Đầu Tư để dành lấy cơ hội chủ động những mục tiêu chiến lược về kinh tế trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương, kể cả bày tỏ ý nghĩ muốn ký những hiệp ước. Tại Diễn Đàn APEC, Nga chỉ hợp tác chặt chẽ với lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố (The Counter-Terrorism Task Force). Nga miễn cưỡng tham gia khi nào nhận thấy không có sự cạnh tranh quyền lợi với các nước xung quanh. Cũng có lý do cho rằng vùng sa mạc Siberia và Miền Viễn Đông Nga thiếu những hạ tầng cơ  sở và những tiện nghi giao thông làm cho Nga không đủ hấp dẫn những đầu tư lớn từ những quốc gia lân cận như là Nhật Bản, Nam Hàn. Sự trao đổi kinh tế của Nga với những quốc gia  phát triển nầy một cách cầm chừng như là cung cấp tài nguyên năng lượng, kim loại không phải sắt, cá và gỗ, đôi khi có cả  vũ khí và thường mua vào máy móc và trang thiết bị.

Nga với điạ hình đa dạng là cơ hội hấp dẫn để các nước Á Châu mua nguyên liệu giá rẻ và ổn định. Hàng hoá từ Nga không có tính chất đặc chủng (Russian specifics) và được bán theo giá cả quốc tế trên khắp thị trường thế giới, điều nầy có nghĩa rằng những hợp đồng với Nga có thể dễ dàng thay đổi bằng những nhà cung cấp từ những quốc gia khác. Nga là thành viên thương mãi trong giới hạn xuất khẩu năng lượng và tài nguyên thiên nhiên đến Trung Cộng, Mỹ, Nhật, Nam Hàn nên chưa tạo ra những dây chuyền có liên hệ đến sự phân công quốc tế về giao thông vận tải, lao động, dịch vụ thương mải, đầu tư… Sản phẩm của Nga thường được miễn trừ quan thuế và cho đến gần đây cũng không nghiêm chỉnh công bố những vấn đề thuộc về quan thuế biểu, tiền tệ và tài chánh, di dân, những qui tắc cơ bản trong việc giao dịch giữa những quốc gia, nhằm cải tiến sự hội nhập sâu xa hơn. Nhìn chung, Nga chưa có đủ kinh nghiệm trong việc tham gia những thoả hiệp đa phương về thương mãi và kinh tế trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương.

Tuy nhiên sự việc đang bắt đầu thay đổi. Năm vừa qua Nga nêu lên ý tưởng thành lập Cộng Đồng Âu Á (Eurasian Community), một không gian kinh tế chung gồm những lãnh thổ thời hậu Sô Viết trên cơ sở thoả hiệp những ưu đãi thương maị. Mới đây, Mạc Tư Khoa cũng bày tỏ sự quan tâm qua việc thương thuyết để có những thoả hiệp tự do thương mại với những quốc gia trong Hiệp Hội Tự Do Thương Mãi Âu Châu (European Free Trade Association) và trong năm 2011 đã bắt đầu nói chuyện với Tân Tây Lan để ký một thoả hiệp tự do thương mại. Một hiệp ước tương tự với Việt Nam cũng đang tiến hành khảo sát.

Không giống như những quốc gia Âu Châu khác, nước Nga có cả bờ biển ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, hai phần ba lãnh thổ nằm trên Á Châu với hơn 30 triệu dân cư trú phía Đông dãy núi Urals, một lợi thế khôn lường để phát triển sự liên kết kinh tế, kể cả chính trị vời khu vực Đông Á và liên kết kinh tế với các quốc gia Á Châu Thái Bình Dương. Hiện nay Nga là thành viên đối thoại (dialogue partner) của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tại Hội Nghị Lãnh Đạo Khối APEC tại Honolulu tháng 11 năm 2011, Tổng Thống Nga Dimitry Medvedev ngỏ ý rằng năm 2012 nên tập trung vào những vấn đề liên quan đến năng lượng, vận tải và an ninh thực phẩm (food security). Như vậy, Nga cũng đang thấy rõ vai trò của mình trong tổ chức APEC, là cơ hội xác định khả năng của một thành viên hàng đầu cung cấp tài nguyên về năng lượng, một hành lang giao thương vận chuyển trong vùng Á Châu Thái Bình Dương và cũng là một nhà xuất khẩu thực phẩm có tiềm năng lớn. Những vấn đề ưu tiên khác trong khu vực cũng được Nga lưu ý, như là : phát triển xanh (green development), thúc đẩy thị trường bảo hiểm và chăm sóc sức khoẻ, di dân lao động (labor migration), tài sản tri tuệ, bảo vệ quyền người đầu tư (protection of investor rights) v.v…

Nga cũng có thể  nhắc lại ý tưởng phát triển Lộ Trình Bắc Hải (Northern Sea Route), nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Tuyến đường hàng hải nầy được Nga chính thức xác định từ Murmansk trên biển Barents, men theo bờ biển Bắc Cực đến eo biển Bering và Miền Viễn Đông. Toàn bộ thuỷ lộ nằm trên Bắc Băng Dương phần không bị đóng băng hai tháng mỗi năm. Tuy nhiên có nhiều dự đóan kế hoạch sẽ không được các cường quốc hàng hải hoan nghênh.

2/  Nga xây dựng Vùng Viễn Đông  làm cơ sở phát triển giao thương.
Khác với năm 2010 trở về trước khi chính quyền Nga vẫn tin rằng bán đảo Triều Tiên đang bên bờ vực chiến tranh, ngày nay Liên Bang Nga đã nhìn thấy và chấp nhận rằng Bắc Á và Đông Nam Á mới là diễn trường cuả các thế lực quốc tế. Từ đó Bắc Kinh đuợc xem như là đối tác quan trọng chính yếu.

Sau khi hoán vị đổi ngôi, cặp bài trùng Putin- Medvedev cùng hướng tầm nhìn về Châu Á. Đầu tháng 6. 2012, sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba, Tổng Thống Nga Vladimir Putin vội thu xếp công du Trung Cộng gặp Chủ Tịch Hồ Cẫm Đào và tham dự Thượng Đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (SCO), một cơ chế gồm 6 thành viên : Trung Cộng, Nga, Kazakhstan, Kyrgystan, Tajikistan, Uzbekistan. Họ tập trung thảo luận về vấn đề năng lượng. Nhóm nầy kiểm soát lĩnh vực dầu và khí đốt cũng như đường ống dẫn dầu giữa Nga và Trung Cộng. Mặc dù mậu dịch giữa Nga - người đầu bảng cung cấp dầu - và Trung Cộng - kẻ tiêu thụ dầu số một - đang gia tăng đáng kể, tuy nhiên việc trao đổi số lượng dầu giảm sút từ 11% năm 2006 còn lại 7% năm 2011. Theo những nhà nghiên cứu, chúng đang tìm kiếm sự thoả thuận về giá cả. Tại Bắc Kinh, Putin cũng không bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc với Phó Thủ Tướng Li Keqiang, người sẽ kế vị Ôn Gia Bảo.

Hiện nay Tàu và Nga có sự thỏa thuận ngầm về cách bỏ phiếu trong Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Theo Fyodor Lukyanov, chủ bút tạp chí Russia in Global Affairs, trên căn bản Tàu theo chân Nga đối với những vấn đề Tàu không quan tâm, nhưng Tàu đòi hỏi Nga đứng về “phe Tàu” những vấn đề sinh tử đặc biệt trong vùng Đông Á. Một nhà ngoại giao tây phương nhận xét : “Nga và Tàu có thể nói chuyện đối tác chiến luợc, nhưng họ sẽ không bao giờ là những đồng minh thực sự bởi vì Tàu có nhiều tiềm lực đe doạ đối với Nga”. Mối lo nghĩ đã thúc đẩy Nga bắt tay vào một số động tác quân sự, chính trị, xã hội nhằm quân bình ảnh hưởng của Trung Cộng ngày càng gia tăng. Nga đưa những tiềm thủy đỉnh tối tân nhất gia nhập Hạm Đội Thái Bình Dương (Pacific Fleet) trú đóng tại Vladivosok. Chính quyền Nga lần đầu tiên có thêm một Bộ Trưởng Phát Triển Vùng Viễn Đông (Minister for Far-East Development). Trên vùng biên giới với Tàu, khu vực lãnh thổ tranh chấp đã giết chết 60 sinh mạng năm 1969, Mac Tư Khoa đã chiêu mộ 400 gia đình trong các nước Sô Viết cũ, trợ cấp tiền và cung cấp công việc làm, đến sinh cơ lập nghiệp tại nơi xa xôi hẻo lánh nầy.

Đầu tháng 8 năm 2012, khi đến thanh tra các công trình chuẩn bị tiếp đón Thượng Đỉnh APEC tại Vladivosok, Thủ Tướng Medvedev không quên cảnh cáo ảnh hưởng cuả Tàu ngày càng gia tăng trên vùng đất màu mỡ miền Viễn Đông : “Hãy bào vệ lãnh thổ trước những mưu toan bành trướng của các quốc gia láng giềng” hoặc “điều quan trọng là không cho phép những biểu lộ tiêu cực…bao gồm việc hình thành một ‘‘lãnh điạ” của công dân ngoại quốc” hoặc “mặc dù không có nhiều cư dân sinh sống, nhưng nhiệm vụ bảo vệ vùng lãnh thổ miền Viễn Đông trước sự bành trướng quá mức của những quốc gia biên giới vẫn không thay đổi”. Thủ Tướng Nga cũng nhắc lại chỉ thị của Putin với các Bộ Trưởng rằng chính sách di dân mới của Nga phải có những kế hoạch cụ thể áp dụng trong thực tế. Những nhóm dân thiểu số phải sống dưới “ô dù” văn hoá Nga, những di dân được chấm đậu qua những bài khảo sát về ngôn ngữ và lịch sử Nga và những sinh viên cần phải đọc vài trăm tác phẩm cổ điển …

3/ Hướng về  Đông Nam Á.
Khu vực Đông Nam Á, nơi đang xảy ra những tranh chấp lãnh thổ với Trung Cộng, Nga đang có những bước đi thuận lợi. Theo tin tức từ World Wide Web, tháng Tư 19, 2012, cơ quan xuất khẩu vũ khí của Nga loan báo rằng Vùng Á Châu Thái Bình Dương là một thị trường vũ khí chính yếu cuả Nga. Bài báo cũng cho biết Nga đang ráo riết “tiếp thị” loại tiềm thủy đỉnh Amur-1650 với những quốc gia khu vực Biển Nam Hải. So với tiềm thủy đỉnh lớp Kilo, loại tiềm thủy đỉnh Amur-1650 ít gây tiếng động hơn, hệ thống tác chiến cũng tối tân hơn.
tiềm thủy đỉnh Amur-1650 

Nga đã  tổ chức một cuộc triển lãm vũ khí tại Kuala Lumpur (Mã Lai) và đã ký một hợp đồng bán cho Mã Lai 18 chiến đấu cơ Su-30MKM. Trước đây, năm 2009, Mã Lai cũng đã đặt mua 18 chiến đấu cơ Su-30MKM.

Nga tiếp cận với Thái Lan, một khách hàng lâu đời cuả Mỹ, và đã bán được một số trực thăng Mi-17, súng tự động, hệ thống hoả tiễn chống phi cơ.

Đối với Nam Dương, Nga là một trong những đối tác chính trong lãnh vực thương mại. Hàng năm, Nam Dương nhập 20% xăng dầu của  Nga và bán cho Nga dầu cọ, cao su, cà phê, trà, tiêu, hàng may mặc, dày dép, vỏ xe …Jakarta và Mạc Tư Khoa đều tin rằng mức độ mậu dịch có thể lên đến 5 tỉ đô la năm 2015. Trước đây Ngân Hàng Ngoại Thương Nga (Bank of Foreign Economic Activity) đã mở một khoản tín dụng 5.95 triệu đô la để Nam Dương mua vũ khí mới. Tháng 9 năm 2007, cũng theo thủ tục mua chiụ nầy, Nga bán cho Nam Dương hàng tỉ đô la trang bị quân sự gồm xe bọc thép lội nước BMP-3F, trực thăng vận chuyển Mi-17, trực thăng tấn công Mi-35M, tàu ngầm Kilo … Nam Dương hiện đang làm chủ khoảng vài chục chiến đấu cơ Sukhoi, và mãi đến những năm gần đây vẫn lạc quan dự tính mua thêm nhiều chiến đấu cơ Sukhoi thế hệ mới nhất để thành lập nhiều không đoàn. Tuy nhiên bản tin của Indo Asian News Service ra ngày 9 tháng 8 năm 2012 cho biết rằng Nam Dương sẽ không mua chiến đấu cơ Sukhoi từ Nga nữa mà thay vào bằng F-16S cuả Mỹ. Tư lệnh không quân Nam Dương Eris Herryanto cho biết đã có ngân khoản tân trang 15 vận tải cơ C130 và sẽ mua thêm 4 phi cơ C130 cải tiến từ Úc Đại Lợi. Bộ Trưởng Quốc Phòng Nam Dương cũng xác nhận : “Chúng tôi đang đợi 24 chiến đấu cơ F-16S từ Mỹ đến . Với những phi cơ nầy chúng tôi có đủ trang bị chiến đấu trong vòng 20 năm tới và cũng có nghĩa là hiện nay chúng tôi đã đủ Sukhoi”.

Ngày 15 tháng 7 năm 2010, Nam Dương chính thức đầu tư và hợp tác với Nam Hàn chương trình sản xuất chiến đầu cơ K-FX tại Hán Thành để thay thế các phi cơ F-5S. K-FX là loại chiến đấu cơ một chỗ ngồi, hai động cơ phản lực, khả năng tàng hình vượt hơn Dassault Rafale của Âu Châu, nhưng vẫn kém hơn phi cơ Lockheed Martin F-35 Lightning II. Bộ Trưởng Quốc Phòng Nam Dương cũng tuyên bố : “Chúng tôi có mục tiêu mua đủ chiến đấu cơ K-FX cho ba không đoàn, mỗi không đoàn từ 16 – 22 chiếc để thoả mãn nhu cầu dài hạn”.
 
Cộng sản Việt Nam và Nga có những mối quan hệ đặc biệt.
Liên Bang Sô Viết và cộng sản Việt Nam là những đồng minh truyền thống. Năm 1987, Hải Quân Sô Viết được Việt Nam ưu đãi thay thế Mỹ xử dụng Vịnh Cam Ranh như là một tiền đồn dòm ngó Đông  Nam Á, cũng là thế ỷ dốc đối với Trung Cộng. Tuy nhiên đầu năm 1988, ngoại trưởng Eduard Shevadnadze thảo luận đến khả năng rời bỏ Cam Ranh. Cuộc rút lui bắt đầu thực hiện năm 1990, để lại một khoảng trống giao thương lạnh nhạt. Mãi đến những năm cuối cùng cuả thập niên 2000, ảnh hưởng Nga mới tái khởi tại Việt Nam. Năm 2008, Việt Nam lúc nầy đang đói khát năng lượng, nảy sinh nhu cầu xử dụng nguyên tử lực cho những mục tiêu dân sự và Nga có dịp dự phần tham gia kế hoạch. Biển Đông Việt Nam cũng đang bắt đầu thời kỳ dậy sóng nên tháng 5-2009 Nga gặp cơ hội được Việt Nam đặt hang, mua một số lượng vũ khí tối tân gồm chiến đấu cơ Sukhoi, 6 tiềm thủy đỉnh Kilo, chiến hạm Gepard, hoả tiễn chống chiến hạm…

Từ đó, sự bang giao giữa Liên Bang Nga và Việt Nam càng trở nên nồng ấm, rõ ràng nhất trong chuyến viếng thăm Nga của Trương Tấn Sang từ ngày 26 đến 30 tháng 7 năm 2012. Những nhân vật đứng đầu cuả hai quốc gia đã gặp gỡ và trực tiếp trao đồi những vấn đề quan trọng.

Trương Tấn Sang và Putin thoả thuận hợp tác phát triển lĩnh vực năng lượng nguyên tử gồm có việc xây dựng môt nhà máy điện nguyên tử, một Trung Tâm Khoa Học và Công Nghệ Nguyên Tử tại Việt Nam. Hai bên cũng đánh giá cao hoạt động cuả các doanh nghiệp và công ty liên doanh dầu khí, mở rộng thăm dò dầu khí trên thềm lục điạ Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là công ước Liên Hợp Quốc về Luật  Biển năm 1982. Họ cũng đề cao hợp tác kỹ thuật quân sự và quan hệ đối tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh không ngừng phát triển phù hợp với nguyên tắc cơ bản cuả luật pháp  quốc tế và góp phần cùng nhau đối phó với các thách thức và nguy cơ an ninh mới, vì hoà  bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn cuả hợp tác điạ phương, đặc biệt giữa các điạ phương vùng Siberia và Viễn Đông cuả Liên Bang Nga với các tỉnh và thành phố lớn của Việt Nam

Theo nhận định cuả kinh tế gia Elvira Nabiullina, cố vấn kinh tế của Tổng Thống Putin, trị giá khối lượng thương mại giữa Nga và  Việt Nam sẽ gia tăng đến 4 tỉ đô la năm 2012.

oOo


Hoạt động cuả Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC)  nhằm giảm giá biểu quan thuế, bãi bỏ những cản trở giao dịch thương mại, khuyến khích tự do mậu dịch và đầu tư, giảm thiểu nạn thất nghiệp, làm nền tảng phát triển kinh tế và sự giàu mạnh cho các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên các điểm nóng cuả thế giới hiện nay vẫn tồn tại trên vành đai Tây Thái Bình Dương, mỗi ngày đều có nguy cơ gia tăng nhiệt độ. Ngay cả trong thời gian gần ngày Khai Hội APEC, liên tiếp xuất hiện những hăm he gây hấn làm cả thế giới quan tâm.

Từ vĩ tuyến 38, Kim Jong Un cảnh cáo sẽ có chiến tranh nếu Mỹ và Nam Hàn tiếp tục tập trận chung ; các dàn Radar X Band (Sea-Based X-Band Radar)  do Mỹ chế tạo đuợc dự tính lắp đặt tại miền Nam Nhật Bản gây bối rối cho Trung Cộng ; Nhật Bản và Trung Cộng đều leo thang tranh chấp nhóm đảo Senkaku hay là Điếu Ngư ; Đài Loan vẫn kín đáo trang bị vũ khí đánh trả tầm xa trong trường hợp bị một cuộc tấn công chớp nhoáng từ lục điạ ; Trung Cộng vừa mới chính thức lên tiếng hôm 30/8, đã thủ đắc loại hoả tiễn liên lục điạ có tầm che phủ đến tận các nơi trên nước Mỹ và có thể vượt qua hệ thống phòng thủ ; vùng biển tứ giác Việt-Trung-Phi-Mã vẫn là ngòi nổ dễ dàng kích hoả trước những khiêu khích thô bạo và ngang nhiên lấn ép của Trung Cộng …

Hội nghị APEC sẽ thảo luận như thế nào để có được những giải pháp ổn thoả nhằm thúc đẩy tự do mậu dịch, phát triển kinh tế khu vực giữa bầu không khí nhốn nháo, hung hãn? Phải chăng Hội Nghị chỉ có thể đạt đến những hứa hẹn làm êm dịu tạm thời để Nga có thêm cơ hội tiếp tục gia tăng xuất cảng vũ khí, tài nguyên năng lượng, xây dựng miền Viễn Đông?.

Nguy hiểm nhất vẫn là ‘‘bầy vuợn’’ khổng lồ Bắc Kinh sẽ mua thời gian để huấn luyện thuần thục ‘‘14 chú khỉ con’’ Hà Nội về một kế sách thâm độc nhằm chiếm lĩnh Việt Nam theo kiểu mới mà người dân yêu nước sẽ bị thằng tay tiêu diệt và quốc tế không đủ lý do để can thiệp. Từ đó, vấn đề khai thác tài nguyên Biển Đông và con đường hàng hải quốc tế huyết mạch từ Bering đến Malacca sẽ do Bắc Kinh độc quyền làm chủ, khống chế tại những nút chắn quan trọng. Lịch sử thế giới ghi chép thế kỷ thứ 13 nhân loại đã có Hiến Chương Hoà Bình Mông Cồ (Pax Mongolica) ; và trong  thế kỷ 21 nầy, nếu các cường quốc không cương quyết đối phó với Trung Cộng, kể cả chấp nhận một cuộc chiến ngay tại đấu trưởng Châu Á-Thái Bình Dương, thì sớm hay muộn cũng sẽ xuất hiện Hiến Chương Hoà Bình Trung Cộng (Pax PRC), manh nha từ những  học giả, học thuyết mua lấy hoà bình bằng cái giá cuả Đông Dương, trong đó có bóng dáng Kissinger.

Thế Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét