Trong
văn chương, ngoài những bài biên khảo, bình luận, xã luận khá dài về một vấn
đề, một đề tài nào đó; và ngoài các tiểu thuyết, truyện dài với vô số sự kiện,
nhân vật, hoàn cảnh,… ; ta cũng thường bắt gặp nhiều bài ngắn, khá ngắn,
viết rất đơn sơ nhưng nội dung lại phong phú, ý tình tác giả được phơi bày khá
sâu sắc mà với cái nhìn thoáng qua, ta không bắt được cái ‘cốt tủy’ tiềm ẩn
trong đó, đôi khi ta còn nghĩ rằng đấy là những bài viết tầm phào, viết cho
vui, viết giải trí cho qua thời gian. Tập ‘Thà như giòng nước chảy’,
theo người viết thuộc loại nầy. Nhưng Trúc Giang không viết cho vui, không viết
lấy có, không viết để ‘được là nhà văn’, để mong được văn đàn đón
nhận. Trúc Giang đã viết với tất cả lắng đọng của tâm tình qua dòng đời ‘oan
nghiệt’ từ lúc còn ở quê hương đến ngày qua xứ Đức, mượn qua Internet để trang
trải ý tình mình. Thế giới Internet là thế giới ảo, những nickname trên
Internet cũng là những người ‘ảo’, ảo trên màn hình nhưng không ảo nơi tâm tư
tác giả. Trúc Giang mượn những cái ‘ảo’ đó để sống thật với mình, để trang
trải mọi ưu tư, phiền muộn, mọi rung động của tâm tư, thần trí về mình, về
người, về đời, về đất nước, quê hương. ‘Ảo’ mà trở thành ‘thật’ như cái tên của
một người gắn liền vói cấu trúc xác thân người đó. Điều nầy, Trúc
Giang đã nói rõ nơi bài ‘An phận hay dũng cảm đối diện cuộc
sống’ viết cho người bạn ảo Bến Xưa trên Net.
Người
viết chỉ gặp Trúc Giang một lần duy nhất trong buổi sinh hoạt Văn Học Nghệ
Thuật chủ đề ‘Thu Tao Ngộ’ do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris tổ chức
vào ngày 04/10/2009 tại Paris. Gặp chỉ một lần, không trao đổi với nhau gì
nhiều nên tôi chẳng còn nhớ nàng Trúc Giang ra sao. Tuy nhiên, một điều
tôi không quên là trong đêm sinh hoạt Văn Học đó, lúc nàng được MC Đỗ Bình và
Vân Hải giới thiệu, nàng đã trưng dẫn tập Kỷ Yếu ‘Hamburg – Das Tor Zur
Menschlichkeit’ (Hamburg - Cửa ngõ tình người) thuật lại diễn tiến xây dựng Tượng đài Tỵ nạn Hamburg (Đức quốc) và nói lên tình tự quê
hương của mình lúc về VN nhìn thấy cảnh sống lầm than của đồng bào quốc nội. Và
Cô đã khóc. Người viết nhớ những giọt nước mắt đó, những giọt nước
mắt đã nhiều lần:
( Võ
Thị Trúc Giang Lúa 9 - Tam
Cá Nguyệt San ‘Cỏ Thơm’, số 49-12/2009)
Chiếc
bóng nào hiện về? Và sao lại chỉ ‘khe khẽ trong mơ? Chiếc bóng đó có thể là
người tình, nhưng qua những gì nàng viết, người viết nghĩ chính là quê hương,
chính là đồng bào nơi quốc nội, chính là đất nước và lịch sử giống nòi bây giờ
đang xa cách. Chiếc bóng hiện về, có nghĩa kỷ niệm, hồi ức sống dậy nơi thần
trí. Tất cả hiện thực trong trí nhớ, tất cả hiện về trong mơ, mơ về, mơ đến vì
là chất liệu cho cuộc sống từ nay. Chiếc bóng đó lẩn quẩn theo cô gái Bến Tre
mượt mà lúa chín, xa mà gần, gần mà xa, một thứ ‘cận lập của viễn ly’ (la proximité du lointain, le lointain proche) theo từng trang Nhật Ký từ 2006 đến 2007, kết
thành ‘Thà như giòng nước chảy’ sẽ ra mắt vào
ngày 09/09/2012 tại Nam Cali.
[‘Thà như giòng nước chảy’ , nhan đề tập sách khiến người viết tò mò. ‘Thà’, từ
thuần Việt, được xem như một trạng từ, đứng đầu câu hay nơi phần đầu của câu
trong ngôn ngữ nói và cả trong văn chương nhằm biểu thị một điều được nêu
ra, sẵn sàng chấp nhập hầu tránh một điều nào khác ngược lại không
thể nào chấp nhận được : ‘Thà chết chứ không chịu làm nô lệ’, ‘Thà
chết chứ không đầu hàng’,’Thà chết chứ không hề lui’ (lời một bài hát) ’,’Thà bạn phụ mình chứ mình không phụ bạn’,’Thà
chết vinh hơn sống nhục’,….Từ ‘Thà’ thường
đi đôi với ‘là’, với ‘như’, với ‘rằng’ : Thà là, Thà như, Thà rằng : Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá (lời thơ Nguyễn Tất Nhiên), Thà rằng liều một thân con, Hoa dù rã cánh lá còn xanh
cây’ (Kiều). Từ ‘Thà’ đứng đầu câu, hiểu theo tiếng
Pháp, tiếng Anh là mieux vaut, phutôt que, better, rather : ‘Thà
anh ở lại còn hơn’: vous feriez mieux de rester, you had better
remain; ‘Thà đau khổ còn hơn chết’: plutôt souffrir que
mourir, better to suffer than to die (Thanh Nghị và Ngô Vũ : ‘Việt-Pháp-Anh Từ Điển’,
Thời Thế, SảiGòn,1957). ]
[Nhưng từ Thà đứng đầu một đoạn câu mà sau đó không có
một mệnh đề nào tiếp theo khởi đầu bằng những từ ‘mà, hơn, hơn
là, còn hơn, chứ không, chứ đừng,..’ thì đoạn câu có từ Thà đứng đầu,
theo người viết, sẽ mang ý nghĩa như một thái độ ‘miễn cưõng, buông
xuôi, chấp nhận, phó thác, đành lòng, cam chịu,…’, chẳng hạn
như : ‘Thà đừng nói, thà chịu dốt, thà đóng vai người ngu,
thà đi ăn xin, thà cứ gian dối,…’.Như thế, liệu nhan đề ‘Thà
như giòng nước chảy’ của tập sách có mang ý nghĩa nầy
không ?, có nghĩa là ‘chấp nhận, cam chịu, buông xuôi’, giòng nước chảy
thế nào, ta cứ thuận chiều xuôi theo nó, mặc nó kéo lôi. Không, Trúc Giang không
rơi vào tình trạng đó, phần sau sẽ chứng minh.]
‘Thà
như giòng nước chảy’. Giòng nước chảy nơi đây vừa là giòng đời
vừa là ‘nguồn Thi Văn bất tận khiến tư tưởng ta chảy như thác, như
suối, mang theo bao kỷ niệm không dừng lại bao giờ cho đến khi nào ta ngừng
thở’ (xem phần ‘Thay Lời
Tựa’). Trúc Giang không miêu tả gì về dòng đời, không thở
than, bi lụy, không nói lên những buồn đau, rẫy rụa do dòng đòi gây ra cho
nàng. Đời dù là bể khổ, dù vô
thường, phù du, huyễn hoặc thì không một ai không sống với nó. Trúc Giang chỉ
ghi lại những cảnh đời của dân nước từ ngày nhỏ đến lớn lên, từ nơi quê hương
đến ngày qua xứ Đức. Phần Tiểu sử và bài Nhật ký ‘Thấy giếng sâu tôi
nối sợi dây dài’ phần nào cho ta biết cuộc sống của nàng. Trúc Giang
đã ‘trưởng thành’ theo dòng đời đó. Sự trưởng thành đó là nguồn thi văn theo
ngày tháng thêm phong phú nơi nàng ghi lại những đổi thay của dòng đời của nàng: ‘’Mỗi một khúc quanh cuộc đời đều được ghi
nhận bằng những dòng nhật ký, nhưng hết đoạn nầy lại bước sang đoạn khác, xong
bài nầy ta viết bài khác. Đời có dừng lại bao giờ, chảy mãi như một giòng sông
khi ta còn tham dự cuộc Vui Buồn’’(Thay Lời Tựa).
Cũng trong phần ‘Thay Lời Tựa’, Trúc Giang nói rõ chủ
ý của nàng : ‘’Nếu ai hỏi thì tôi sẽ bùi ngùi kể rằng :
Đây là tập Nhật Ký của tác giả trong thời gian sống Lưu Vong nơi hải ngoại,
ngồi thâu đêm mong bảo tồn tiếng Việt nơi xứ người đồng thời mong làm nhịp cầu
cảm thông giữa những người Việt trong và ngoài nước, giữa hai thế hệ Trước và
Sau. Cũng như cho riêng bản thân tôi khi quay về với từng trang Quá Khứ có mình
tham dự trong đó để đôi khi ngậm ngùi trước mọi sự việc đổi thay’’.
[‘Nhật Ký’ là
loại hình văn chương rất tự do, ai cũng có thể viết vì là ‘mình viết
cho mình’, kể lại, thuật lại mọi sự việc xảy ra từng ngày, từng lúc trong
cuộc sống của mình, những sự kiện của cuộc đời mình đã chứng kiến, đã tham dự.
Như thế, Nhật Ký mang tính cách ‘niên sử’ tức ‘theo thời
gian’, theo thứ tự ngày tháng (chronologique). Với 59 bài trong tập
sách, chắc hẳn đã nhiều bài Trúc Giang viết theo thứ tự ngày tháng sự việc xảy
ra, nhưng] qua những bài nhà thơ gởi tôi, người viết
nghĩ Trúc Giang dù qua thể loại Nhật Ký, đã làm một cuộc ‘đối thoại với
mình’, giải bày tâm tư, tình cảm mình , giải bày ‘tiếng lòng’ của
mình trước một số cảnh đời do từ cái tính nghệ sĩ vốn có nơi
mình. ‘Mình là đối tượng của mình’, trở thành ‘nhân
vật’ do tự mình ‘phân thân’ (thành đối tượng) thành một nhân vật ảo hoặc mượn qua một số nhân vật ảo trên
Net. ‘’Có phải ghé mắt đọc trên Net là ta đang khám phá thêm về tâm
hồn một người qua lời văn họ viết. Giống như ta khi ta đặt chân vào một hiệu
sách…Cầm quyển sách ưng ý trong tay về nhà, ta cảm thấy sung sướng, khi ngồi
thong thả lật từng trang ra đọc. À thì ra nội dung một bài văn ta thích là tại
vì qua đó, ta tìm được ít nhiều ‘chính mình, nên ta mới thích. Trong diễn đàn
cũng thế, Thơ, Truyện được sáng tác, đăng tải rất nhiều, ta dùng thì giờ lựa
chọn và nhờ qua sự lựa chọn ấy khiến cho người Viết và người Đọc xích lại gần
nhau hơn trong tâm tưởng dù chỉ qua nickname thôi Sự đồng cảm của tâm hồn
bắt nguồn từ đấy, qua chữ…Vì sau mỗi nickname là một tâm hồn có thật’’ (‘An phận hay can đảm đối diện cuộc sống’
– bài viết cho Bến Xưa bạn
Net – 10 April 07).
Tôi
không được đọc toàn bộ bản thảo tập sách cũng như không biết gì về cuộc sống
cùng nếp sống tình cảm của nàng. Trúc Giang không muốn làm mất thì giờ tôi hay
‘tiết kiệm’ thì giờ của nàng nên chỉ gởi đôi bài tiêu biểu. Tuy nhiên, qua đôi
bài đó, người viết cũng đọc ra ít nhiều những gì nàng gởi gắm cho nàng và cho
tất cả chúng ta, dân nước, đồng bào trong nước và nơi hải ngoại, những người
từng quen thân hay chỉ là những người ảo trên mạng. Qua những bài đó, người
viết nhận ra tấm lòng chan chứa tình người của cô gái miển sông Tiền, sông Hậu.
1/- ‘’Hạnh
phúc là cho đi đừng giữ lấy một mình’’. Thánh nhân, hiền triết đã nói
như thế ; các tôn giáo đã nói như thế. Và người đời cũng đã từng nhắc đi
nhắc lại như thế. Trúc Giang chỉ nhắc lại thôi và xem đấy là ‘chất sống’ của
mình. Những lời như thế cần lặp đi lặp lại mãi dù có nghe ra nhàm chán vì những
lời đó đem lại lương hảo cho tâm hồn ta, cho xã hội hằng ngày ta đang sống.
Trúc Giang không triết lý hay đúng hơn, Trúc Giang triết lý theo cái triết lý
của nòi tình, của người nghệ sĩ chứ không theo cái triết lý biện bác, lý luận.
Trúc Giang là kẻ luôn ‘dấn thân’ vào đời, không chấp nhận cái ‘an phận’ tức
bằng lòng vui với những gì mình có, để "thà như giòng nước chảy " theo
nghĩa ‘đành lòng, nhận chịu’. Trúc Giang đã viết cho người bạn ảo Bến
Xưa : ‘’An phận là cho phép mình an phận thủ thường, nghĩa là
buông lơi không tranh chấp với Người, với Đời gì nữa, buông tức là chấp nhận
một cách tiêu cực ?Vậy trong hoàn cảnh nào ta nên bon chen tranh đấu cầu
tiến ? Lứa tuổi nào ta nên lục đục đi tìm về nơi tĩnh lặng để tu thân
dưõng tánh tránh tiếng thị phi ?…Chính vì sống trong một xã hội quá máy
móc, bận rộn, nhớ nhà, chạy đua theo thời gian vật lộn với cuộc sống còn lắm
bon chen nên mình càng phải tạo cơ hội bồi dưỡng cho tâm hồn mình tinh khiết
hơn, nếu như không biết lựa chọn, biết đâu ta lại mọc nanh, mọc sừng trong cuộc
đấu tranh sinh tồn, rồi ta để đánh mất chính mình một cách đáng tiếc’’. Sang
nơi xứ tự do, Trúc Giang cũng như mọi người VN tỵ nạn CS phải phấn đấu lo cho
cuộc sống bản thân, gia đình. Cuộc sống cơm áo hàng ngày không đến phải lo ngay
ngáy ngày đêm, như thế, tạm gọi là hạnh phúc theo quan niệm thông thường. Với
Trúc Giang, cái hạnh phúc như thế chưa thật là hạnh phúc. Vì ‘’nhắc
đến hai chữ hạnh phúc ta phải rất dè dặt vì trời ban cho ta hạnh phúc thật tràn
trề, ta nên chia sớt ‘hạnh phúc’ mình cho người khác kém may mắn hơn, bất hạnh
hơn mình, ngay cả thì giờ cũng như vật chất cho Người, cho Đời, từ đó Trời sẽ
lại ban cho ta niềm vui và hạnh phúc mới’’. Cái hạnh phúc mà Trúc
Giang chia sớt cho Người, cho Đời là sự cảm thông, chia xẻ những cảnh đời bi
thương của đồng loại. Điều nầy không riêng Trúc Giang, bao người Việt hải ngoại
cũng đã như thế, nhưng Trúc Giang xem đây là ‘lẽ sống’ hướng dẫn cuộc sống
mình. ‘Hạnh phúc là cho đi đừng giữ lấy một mình’, có như
thế, ta mới đón nhận được hạnh phúc mới. Trúc Giang luôn ‘đi vào đời’ để chia
xẻ cho đời cái ‘hạnh phúc’ của mình. Nàng đã tham gia vào mọi hoạt động của
Cộng Đồng người Việt ở Đức, ở Châu Âu, thơ văn nàng như ‘dòng suối ngọt’ từ
lòng đất ấm làm vơi quên phần nào những tế tái ủ ê. Trúc Giang không đợi phải
về hưu, về già mới tìm được ‘tĩnh lặng’. Nàng ‘tĩnh lặng’ ngay giữa dòng đời
hàm hỗn vì ‘’Tự tại với chính mình là tự tại một trong hai’’ (être soi, c’est être un en deux – Karl
Jaspers - Từ ‘hai’ nơi đây là tha nhân, hiểu rộng là
xã hội, cuộc đời). Ít nhiều Trúc Giang đã ‘tự tại’ như thế và
đấy có thể xem là một thứ ‘hạnh phúc’ bên trong người mình.
2/-
Thân phận Dân Nước : Dù tập sách gồm những bài Nhật Ký nhưng bài ‘Con mèo trong
nghĩa địa’ lại được viết theo thể loại truyện ngắn. Lược tóm như
sau:
« Cô
Chảnh là nữ sinh trường Bồ Đề, đang độ mới lớn rất xinh. Gia đình cô cũng thuộc
đàng hoàng, có tiệm bán sinh tố ngoài chợ. Sáu Hồng là con nhà giàu, học ở Sài
Thành, thinh thoảng về thăm nhà, ra quán uống sinh tố rồi hắn cua được cô. Nghe
lời dụ dỗ ngon ngọt của hắn, Chảnh ‘bỏ nhà từ đó theo trai’, nghĩ rằng đời sẽ
lên hương đâu ngờ phải chịu cảnh nghèo hèn nhục nhã với hắn. Sáu Hồng hưởng gia
tài cha mẹ để lại, chằng lo làm ăn, cứ kêu người đến ‘bán hết ráo, mồ mả ông bà
gì chả cũng thây kệ’, còn cậy vào tiền nên cờ bạc, say xỉn nữa. Cô gái liên
tiếp đẻ cho hắn năm một, lần lượt ra đời một tá con. Cha hư thì con cũng hư
theo, Sáu Hồng chẳng hề nghĩ đến vợ con mình. Con cái nghèo lăn ra, đứa bán ve
chai, đứa đạp xích lô, đứa vá xe đạp, kiếm tiền ăn qua ngày. Sáu Hồng âm mưu
cắt đất nghĩa trang của cha mẹ để lại, kêu họ hàng con cháu quật mồ mả lấy hài
cốt đi chỗ khác… Anh chị em chả than trời như bộng nhưng đều bó tay vì miếng
đất nghĩa trang cha mẹ đã ký tên giấy tờ cho chả là thuộc quyền của chả. Anh em
chả phản đối đùng đùng kéo nhau ra tòa thưa kiện, cuối cùng giấy trắng mực đen
là cha mẹ ký tên cho hắn có toàn quyền sở hữu. Cái nền nhà của vợ chồng được
chả sửa sang làm nhà chứa, chả chứa gái ôm. Trên nền đất cha mẹ còn lại, chả
xây thêm căn nhà làm quán trọ, cho nhạc tình léo nhéo suốt ngày đêm. Chảnh, vợ
Sáu Hồng, cũng phải chạy vòng vòng ngoài nghĩa địa, nói lầu bầu một mình như bà
điên, mặt mày lem luốc. Người bán hàng rong đi qua con đường làng đất đỏ,
thương hại, xót xa, nghe được chữ còn chữ mất : -Ổng hổng cho tôi dô
trong vì ổng đang ôm con mèo trong nghĩa địa ! ».
Chuyện
thật hay tưởng tượng ? Không rõ. Điều quan trọng không ở đấy mà ở ‘dụng ý’
của tác giả. Trúc Giang, như đã nói, dù đang nơi xứ người, vẫn không quên đất
nước. Nàng luôn nghĩ nhớ quê hương. Thảm cảnh của dân nước hẳn đã khiến nàng
quăn thắt, buồn đau. Sáu Hồng chính là hình ảnh của lớp người Cộng sản đang bán
nước, buôn dân, phản bội công sức của tiền nhân, bôi nhọ Lịch sử giống nòi, phá
nát truyền thống văn hóa bao đời của Dân tộc. Cô Chảnh là hình ảnh Dân tộc,
nhân dân VN nhẹ dạ nghe lời tuyên truyền của Cộng sản để rồi bị bao nhiêu tai
họa vào mình, đến cả không thề vào ngôi nhà của vợ chồng vì chồng đã biến ngôi
nhà thành nhà chứa. Câu kết : ‘’Ổng đang ôm con mèo trong nghĩa
địa’’ nói lên gì ? Đất nước bây giờ là một nghĩa địa vì những gì
tốt đẹp, thân thương không còn nữa. Trong nghĩa địa, bây giờ chỉ còn Sáu Hồng,
lớp người bán nước, trân quí ‘con mèo’ có nghĩa hưỏng lạc sa đọa, cũng có thể
là đang ôm những thứ hứa hẹn, ban cấp của ngoại bang (4 tốt, 16 chữ vàng) xem
ra rất quyến rũ như một con mèo dễ thương chứ không còn biết gì đến vợ con tức
đồng bào ruột thịt mình nữa. Xin không nói thêm. Hiện tình đất nước và
nhân dân nơi quốc nội suốt hàng mấy chục năm qua dưới chế độ CHXHCN đủ cho ta
thấy điều đó. Người viết nghĩ như thế, không rõ có đúng theo ý tác giả hay
không? Liệu có cách nghĩ nào khác chăng?
3/-
‘Thấy giếng sâu tôi nối sợi dây dài’ : tình nghĩa đồng bào của
người Việt hải ngoại : « …Năm 1992, lần đầu, tác giả
dắt hai con về VN thăm ông bà Ngoại, thấy đứa cháu gái tên Tâm độ 17 tuổi, ‘mặt
nổi lên từng cục mụn nung mủ sần sùi, hai bàn tay cũng đỏ rực vẻ đau đớn’ vì
‘phải đi gói kẹo nơi hãng kẹo dừa Bến Tre’… Ba của Tâm, anh ruột tác giả, thiếu
úy chế độ cũ, bị bắt đi tù vẫn chưa được về. Mẹ Tâm, chị dâu tác giả sống thiếu
thốn, tủi nhục, phải bắt ốc, cóc, nhái rồi bầm nấu cháo cho đàn con. Tâm là chị
cả, muốn kiếm tiền phụ với mẹ, nên thức khuya dậy sớm đi ra hãng người ta gói
kẹo dừa, ăn lương rẻ mạc nhưng có còn hơn không’. Thương cháu, tác giả hỏi Tâm
thích nghề gì rồi hai cô cháu ra phố BếnTre, đến mấy tiệm cắt tóc làm móng tay
để gởi Tâm học nghề. Bà chủ một tiệm nhận Tâm, tác giả đóng tiền cọc một năm,
số còn lại trả sau. Hai năm sau tác giả về lại. Tâm vui vì có việc làm nhưng
phải làm từ 9 giờ sáng đến 11 giờ đêm với đồng lương rẻ mạc 20 đô một tháng.
Tác giả thương cháu, hỏi người quen rồi mua mọi dụng cụ thiết bị cho Tâm mở
tiệm uốn tóc lấy tên hiệu là Tường Vi. Tiệm của Tâm phát đạt. Tâm lập gia đình,
có con, dời tiệm uốn tóc, làm móng tay về căn nhà mới khang trang, nhận học trò.
Ba Tâm chết trong trại tù. Lần tác giả về lại, đứa con của Tâm gọi tác giả là
Bà, chỉ hình của tác giả mà Tâm treo trên tường, nói ‘Tiệm của mẹ con
tên là Tường Vi’ ».
Sự
việc bình thường thôi. Rất nhiều người Việt tỵ nạn CS ở hải ngoại cũng đã cưu
mang, giúp đỡ bà con, thân nhân nghèo khổ bên quê nhà như thế.
Cái
hay đẹp nơi đây là tấm lòng, là ý tình tác giả. Sau chuyến Mỹ Du, thấy bạn bè
có người giàu, kẻ nghéo, có chị lớn tuổi gần 70 đi xin việc không ai mướn rồi
nghĩ đến bạn bè ở VN cũng nghèo, muốn cho con qua Tây du học nhưng chỉ
là mơ ước thôi bởi vì nghèo. Cái nghèo đó ám ảnh Tường Vi và nàng đã
viết cho Thy, một người bạn ảo :‘’Trước tình huống ấy, ta lại nổi
cơn điên lao vào business, cái mà ta đã bỏ dở gần hai năm qua, tính về vườn vui
thú điền viên, nghỉ hưu sớm, nhưng nhìn xem khi ta Nghèo thì tình yêu thương ta
tặng cho đời không chưa đủ. Mình cần có nhiều TIỀN Thy ạ Thế là ta lao
theo bon chen buôn bán, với cái đầu ham mê nghệ thuật của mình, gánh một bên
vai nợ mình, nợ nhà, nợ nước non, thêm nợ tha nhân trong cộng đồng địa phương
mình ở ! Nàng nói Chúa cho ta trái tim yêu thương. Chúa ban cho ta
ánh sáng. Chúa ban cho ta thân thể lành mạnh và trí tuệ nhận xét thì cớ vì sao
ta có thể làm ngơ trước mọi sự việc chứ '’. Đẹp quá đi
thôi ! Lăn vào business để làm giàu nhưng không
cho riêng mình mà để cưu mang cho tất cả, để mong xóa cái nghèo cho tất cả. Với
những dòng viết đó, Trúc Giang đã ‘giàu’ rồi, Trúc Giang ‘không
còn nghèo’ nữa, người viết muốn nói đến cái giàu của tâm hồn, cái giàu
của trí tuệ, của con tim. Đẹp hơn nữa là những dòng cuối của trang
Nhật Ký nầy: ‘’Cái nghèo của dân mình như Cái Giếng sâu thăm thẳm
nên tôi lúc nào cũng phải ráp nối từng khúc một cho nó dài thêm ra, chưa biết
khi nào sợi dây mới chạm vào đáy giếng, không biết là tôi còn sống hay không để
chứng kiến một ánh lửa vinh quang của Dân tộc mình thoát khỏi cảnh nghèo nầy.
Nếu tôi không còn nữa trên cõi đời thì các con, các cháu của tôi sẽ nối ráp
khúc dây ấy thay thế thế hệ đi trước. Hy vọng múc lên những gáo nước ngọt ngào
cho dân mình đỡ’’ (‘đỡ
gì ?’, có thể còn đôi chữ nữa nhưng bài viết gởi tôi, sang trang khác, lại
dừng ở đó, tuy nhiên có thể là ‘đỡ nghèo, đỡ khổ’). Người viết nhớ một lời khuyên : ‘’Nếu
nhiều người đang đói, đừng đem cho họ cá mà chỉ cho họ cách chài lưới cá’’ (‘Si des hommes ont faim, ne leur apporter
pas du poisson, apprenez-leur à pêcher’ – trích dẫn bởi Albert Jacquard, một
bác sĩ và cũng là một nhà di truyền học nổi tiếng, trong ‘La Science à l’usage
des non-scientifiques’, nxb Clamann-lévy, Paris 2001, trang 207). Trúc
Giang không nghĩ mình ‘hoàn tất’ được; nàng kỳ vọng vào bao người khác, bao lớp
người sau tiếp tục.
Trúc
Giang ơi! Cứ tiếp tục, đến đâu hay đó, tấm lòng tốt sẽ mặc nhiên được mọi người
tiếp tay. Gió đã đổi chiều, Lịch sử sắp sang trang. Nội lực VN đã trổi dậy hào
hùng, đã dồn tụ, đã đồng hợp từ bên trong lẫn bên ngoài. Không chỉ người già,
cả lớp trẻ sinh sau đẻ muộn trong chế độ của Cộng sản hiện nay đang nổi dậy.
Chiếc dây gàu cứu nghèo, cứu khổ đang được bao người nối
dài thêm, thêm mãi cho đến ngày nước ngọt sẽ được múc lên tràn đầy cho không
còn một ai chết khát, cái khát tự do, hòa bình, công lý, cái khát nhân quyền,
nhân phẩm, tình người. Và ngày đó, Trúc Giang ơi, trong và ngoài nước VN
ta, ‘’Lễ chào gây hội mới, Rượu ngọt chén trà thơm, Dựng tưọng đài
tưởng niệm, Tạ từ chung điêu tàn’…
Mieussy
(France) 01/08/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét