Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Nhạc sĩ du ca Phan Văn Hưng: hát cho tuổi thơ và quê hương đọa đày


Nhạc sĩ Phan Văn Hưng và nhà văn Nam Dao là đôi vợ chồng đã hoạt động cho âm nhạc và văn chương trong nhiều năm ở hải ngoại. Trong những ca khúc phổ biến đặc biệt chúng ta đã thưởng ngoạn, nhạc do Phan Van Hưng và lời của Nam Dao viết.

1970-1982: Thời là sinh viên tại Pháp, Phan Văn Hưng và Nam Dao tham gia các hoạt động của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, cùng thời với Trần Văn Bá. Trong thời gian này, Hưng khởi xướng Ðoàn Du Ca Paris, điều khiển ban hợp xướng và đạo diễn những đêm hội Tết trong nhiều năm.

1977: Phan Văn Hưng khởi xướng tạp chí Nhân Bản.

1979: Phan Văn Hưng thành lập Văn Ðoàn Lam Sơn, xuất bản nhạc và thơ. Vào thời gian này chúng ta biết đến thơ Nam Dao trong tập “Cho Ngày Mai Lúa Chín”.

Sau biến cố Tháng Tư 1975, sau khi miền Nam sụp đổ và đất nước sống dưới ách thống trị của Cộng Sản, tuy ở xa quê hương, nhưng những nỗi đau của cả dân tộc đã làm cho lòng người nghệ sĩ yêu nước cảm thông, xót xa và không thể không viết lên những ca khúc vang động đến lòng người. Những ca khúc của Phan Văn Hưng và Nam Dao như tiếng gào thét phẫn nộ, tiếng kêu của phận người, tiếng rên siết khổ đau của người Việt Nam. Tất cả những điều này chúng ta đã tìm thấy trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1982, qua một số ca khúc bất hủ như: “Ai Về Xứ Việt”, “Thằng Bé Tát Dầu”, “Tiễn Em Rời K18”, “Tôi Thấy Tôi Về”, “Còn Ai Thương Dân Tôi”, “Bài Ca Cho Bé Hải”, “Giọt Nước Mắt Của Mẹ” v.v...

Năm 1982, đôi bạn Phan Văn Hưng-Nam Dao đến định cư tại Úc và vẫn tiếp tục sáng tác, điển hình là những bài hát được vô cùng ưa chuộng như: “Bạn Bè Của Tôi”, “Hai Mươi Năm”, “Trái Tim Tôi Là Bến”, “Nếu Em Nghe Bài Hát Này”, “Bài Ca Cho Bé Thảo”, “Việt Nam Vinh Quang”... Nhưng mãi đến năm 1991, nhạc sĩ Phan Văn Hưng-Nam Dao mới thực hiện tập nhạc và CD “Trái Tim Tôi Là Bến” gồm 25 “Thương Khúc” vẽ lên một bức tranh cực kỳ sống động của xã hội Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản. Năm 1994: CD “Có Phải Em Chờ Mùa Xuân” ra đời.

Trong những năm sau 1995, Phan Văn Hưng bắt đầu chú ý đến các ý tưởng trong thơ, không phải với những bài thơ mượt mà nói đến những lãng mạn của tình yêu đôi lứa, hồi tưởng những kỷ niệm đã qua, hay nhớ về quê hương, mà là những bài thơ đôi khi bốc lửa, hay nói đến chế độ bất nhân ở quê nhà, kể cả những bài thơ viết trong tù. Ðây là những bài thơ của những thi sĩ trong nước, những bài thơ mang tính chất đối kháng, điển hình như những bài: “Khát” (thơ Thanh Thảo), “Em Bé Lên Sáu Tuổi” (thơ Hoàng Cầm), “Sự Thật Ơi” (thơ Nguyễn Thân Văn), “Kiểm Tra” (thơ Hà Sĩ Phu), “Nơi Phía Bình Nguyên” (Dương Thu Hương), “Yêu Ai Cứ Bảo Là Yêu” (Phùng Quán), “Chợt Gió Chợt Mưa” (thơ Lý Hoài Xuân) cùng nhiều bài thơ tù của Nguyễn Chí Thiện.

Nhạc sĩ Phan Văn Hưng đã bước sang địa hạt trình diễn khi ông cộng tác với ban nhạc Bamboo Ochre bắt đầu vào năm 1995, hát dân ca Việt Nam theo chiều hướng World Music. Ông đi trình diễn khắp nước Úc, một mình hoặc cùng với Bamboo Ochre, nhất là tại National Folk Festival tại Canberra, Adelaide Fringe Festival, Victor Harbour Folk Festival, WOMAD. Ðể dưa đòng nhạc Việt đi xa hơn, từ năm 1994, Phan Văn Hưng bắt đầu sáng tác ca khúc bằng tiếng Anh như phổ thơ của thi sĩ thổ dân Úc Margaret Brusnahan, những bài như Didgeridoo, The Searching Wind, Christmas Is Christmas, If I Close My Eyes, trình bày tại Viện Văn Hóa Thổ Dân Úc Tandanya.

Những CD Phan Văn Hưng và Nam Dao phát hành sau năm 2000 là “Khát” với những ca khúc như: “Khát”, “Bài Ca Tuổi Trẻ”, “Bài Thơ Ngỗ Nghịch” (thơ Bùi Minh Quốc), “Con Bé Nhà Quê”...
Năm 2002, phát hành CD “Sinh Ra Làm Người Việt Nam” với những ca khúc bất hủ như: “Sinh Ra Làm Người Việt Nam”, “Vọng Nam Quan”, “Chúng Ði Buôn”, “Những Ðứa Bé”, “Những Tình Khúc Dở Dang”...
Năm 2004, phát hành CD “Nơi Phía Bình Nguyên”: “Em Bé và Viên Sỏi” (thơ Trần Trung Ðạo), “Dưới U Minh Hạ”, “Một Ngày Trong Thành Phố”, “Một Chiều Tháng Sáu” (thơ Nguyễn Chí Thiện)...
Năm 2005, phát hành CD Trường Ca “Hôm Nay Ngày Mai” trong đó có bài: “Ðừng Sợ Nữa”, “Tôi Muốn Ðưa Em”...

Ðôi bạn Phan Văn Hưng và Nam Dao không phải là những nhạc sĩ bình thường của người đời, nhạc sĩ ca ngợi tình yêu của một thời lãng mạn, họ cũng không nhắc đến tình yêu đối với quê hương. Nghe nhạc của Phan Văn Hưng-Nam Dao chúng ta như nghe thấy lời rên siết của quê hương đọa đày, trong đó con người sống thấp gần với con vật, những phi lý ngang trái của một cuộc đổi đời. Ở đây không có một lời chống đối, không một tiếng hô hào lật đổ, nhưng tất cả những gì chúng ta nghe được trong nhạc Phan Văn Hưng là những mảnh đời đen tối, bất hạnh của kiếp con người, con người dưới chế độ hiện nay ở quê nhà. Nhạc Phan Văn Hưng không kêu gọi đấu tranh, nhưng đã thắp sáng lên trong trái tim chúng ta niềm đấu tranh vì trước số phận của con người Việt Nam với những gì đang xẩy ra trên đất nước, quê hương này làm chúng ta không thể ngồi yên.

Trong nhạc quê hương của Phan Văn Hưng-Nam Dao chúng ta không thấy hình ảnh của những nhịp cầu tre, dòng sông đỏ phù sa, cánh cò hay ruộng lúa, mà chỉ thấy những mảnh đời bị dày xéo, những tuổi thơ bị lưu lạc bỏ quên, những giá trị đạo đức bị chà đạp với lời kêu gọi cho yêu thương tha thiết. Phần lớn nhạc Phan Văn Hưng viết về tuổi thơ ảm đạm “Ðứa Bé và Viên Sỏi” viết về một em bé mất cả gia đình trên biển Ðông, những đứa bé đang sống vùi dập nơi quê nhà, “Thằng Bé Tát Dầu”, “Bà Ca Cho Thảo”, “Những Ðứa Bé”... Thấp thoáng trong những bài nhạc khác, ta cũng thấy hình như Phan Văn Hưng và Nam Dao bị ám ảnh bởi hình ảnh của tuổi thơ bất hạnh bị bỏ quên trên quê hương hôm nay.

Chúng ta sẽ thấy những hoạt cảnh đổi đời mỉa mai của đất nước với những “kẻ gian ác đi nghênh ngang” (Hai Mươi Năm), “thằng thật tài ba thì đạp xích lô, còn thằng giàu cha là thằng ma cô” (Bạn Bè của Tôi), “chúng ăn chơi xương máu đồng loại”, “chúng vui chơi trên kiếp nghèo đói”(Chúng Ði Buôn), “một thầy cô trong nhà chứa, gặp trò xưa bỗng khóc òa (20 Năm), “phập phồng nơi công viên, mấy trăm chị em ngồi” (Một Ngày Trong Thành Phố)... Trong ba mươi năm trở lại đây, trong và ngoài nước, chưa có ai mô tả, hát lên được những lời ca thống thiết về quê hương đến như thế. Tuy vậy, Phan Văn Hưng đã nói rằng: “Người còn tha thiết núi sông, thì sẽ thấy cơn mưa nguồn” (20 Năm), vì “đừng sợ nữa bóng đêm đe dọa, đừng sợ nữa tối tăm man rợ”, “đừng sợ nữa, hỡi ai phẫn nộ, đừng ngậm im kéo thân trâu ngựa” (Ðừng Sợ Nữa).

Ở Trịnh Công Sơn, thơ và nhạc song hành như những bài hát đồng dao về mẹ, quê hương, tình tự, cuộc sống và hoạt cảnh chiến tranh qua người kể chuyện, chậm rãi, ung dung. Ở Phan Văn Văn Hưng là sự phẫn nộ, kêu gào, nhức nhối và đầy nỗi xót xa. Nhưng cũng ở trong nhạc Phan Văn Hưng, chúng ta thấy cái bừng sáng của tình người, của những hy vọng không bao giờ tắt như trong các ca khúc “Bài Ca Tuổi Trẻ”, “Sinh Ra Làm Người Việt Nam”.

Với nhạc sĩ Phan Văn Hưng, các địa hạt sáng tác, ca hát hòa âm, sử dụng nhạc khí cho tới lối trình diễn và cả điều khiển hợp xướng đều là những địa hạt sở trường. Lối trình diễn đàn guitar của ông có những nét độc đáo rất khó nhầm lẫn với bất cứ ai. Chắc các bạn đã hơn một lần nghe Phan Văn Hưng hát, trong đó than khóc lẫn tiếng kêu gào, giọng hát “rung” lên ở từng cuối câu hay “run rẩy” như những lời thương xót, cho con người đọa đày hay cho quê hương lầm than! Trình bày những ca khúc do mình viết từ những xúc cảm sâu đậm, Phan Văn Hưng cũng đã hát những lời hát do người bạn đời Nam Dao đóng góp, chia xẻ, cảm thông bằng tất cả rung động tự con tim. Nếu không, chúng ta đã không còn nhớ đến Phan Văn Hưng khi nốt nhạc cuối cùng trên phím đàn của ông lặng tiếng.

Nhạc của Phan Văn Hưng chưa được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, một phần vì Phan Văn Hưng ở tận bên đất Úc xa xôi, một phần vì đây không phải là một loại nhạc phổ thông có thể đưa ra thị trường như một món hàng thương mãi vì kén người “tri âm”. Xin hãy đến với Phan Văn Hưng một lần, lắng nghe và để nhớ rằng chúng ta phải làm một điều gì cho con người và quê hương Việt Nam thống khổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét