Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Quan hệ Việt Mỹ : Tiến triển đều đặn, nhưng cản lực vẫn là hồ sơ nhân quyền

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại một cuộc gặp gỡ các doanh nhân Mỹ - Việt tại Hà Nội ngày 10/07/2012.
REUTERS/Luong Thai Linh
Chuyến thăm Việt Nam ngày 10 - 11/07/2012 của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đã góp phần thúc đẩy thêm quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước cựu thù. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các nhà phân tích, nếu muốn thúc đẩy thêm quan hệ, đặc biệt trong lãnh vực quốc phòng, Việt Nam cần phải tháo gỡ cản lực là vấn đề nhân quyền, vừa được bà Clinton nhắc lại. 
Chưa bao giờ quan hệ Viêt Mỹ lại sôi nổi như trong thời gian gần đây, với một loạt những chuyến ghé thăm từ đầu năm đến nay của các lãnh đạo Mỹ cao cấp, từ hành pháp, lập pháp cho đến quân đội. Được chú ý hơn cả là chuyến công du ngày 10 - 11/07/2012 của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, nhân dịp bà ghé Phnom Penh dự các hội nghị cấp ngoại trưởng của khối ASEAN.
Ngay từ đầu năm, một phái đoàn gồm 4 Thượng nghị sĩ trong đó có hai nhân vật đầy thế lực là ông John McCain và Joseph Lieberman đã đến Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc về quan hệ song phương Mỹ-Việt.
Qua tháng Hai, đến lượt Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, Kurt Campbell, đến thăm Việt Nam để xác nhận rằng Washington mong muốn nâng quan hệ với Việt Nam lên hàng đối tác chiến lược.
Đến đầu tháng Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta công du Việt Nam, và trong một cử chỉ đầy biểu tượng, ông đã đến cảng Cam Ranh để thăm một quân hạm Mỹ đang được bảo trì tại đấy. Nối tiếp theo bộ trưởng Quốc phòng, qua tháng Bảy, đến lượt Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ghé Việt Nam trong hai ngày trước khi đến Phnom Penh.
Sau bà Clinton vài ngày, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - Đô đốc Cecil D.Haney, cũng ghé thăm Việt Nam hôm 13/07, đúng vào dịp tàu bệnh viện Hoa Kỳ USNS Mercy đang có mặt ở Nghệ An trong một chiến dịch trợ giúp nhân đạo trong hai tuần (từ ngày 10 đến 24 tháng Bảy) tại tỉnh Nghệ An.
Phải nói là vào lúc tình hình Biển Đông có dấu hiệu nóng bỏng, giao lưu quân sự, quốc phòng Việt-Mỹ có dấu hiệu phát triển rõ rệt, nhất là về phương diện hải quân. Rõ nét nhất sự kiện soái hạm Blue Rigdge của hạm đội 7, cùng với khu trục hạm Chafee và tàu cứu hộ Safeguard, ghé cảng Tiên Sa Đà Nẵng hôm 23/04. Qua tháng 6, cảng này lại đón tiếp tàu nghiên cứu khoa học Roger Revelle của Hải quân Mỹ trong một chuyến ghé thăm 8 ngày.
Chính trong bối cảnh quan hệ quốc phòng Viêt Mỹ có những biểu hiện phát triển mạnh mẽ như trên mà Ngoại trưởng Mỹ Clinton công du Việt Nam với mục tiêu được tuyên bố là nhằm thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa hai bên, trong các lãnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa.
Lẽ dĩ nhiên, Ngoại trưởng Mỹ không quên đáp ứng mong đợi của Việt Nam là tuyên bố ủng hộ Việt Nam trên hồ sơ Biển Đông. Theo phía Việt Nam, trong các buổi tiếp xúc với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, bà Clinton đã nhất trí rằng cần phải « duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác, đảm bảo tự do an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; khẳng định những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 ».
Theo phía Việt Nam, trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ngoại trưởng Clinton còn « bày tỏ quan ngại về những diễn biến vừa qua ở Biển Đông; khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ quyền của các quốc gia ven biển trong vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 ».
Trong các cuộc tiếp xúc tại Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ cũng cổ vũ cho việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Theo hãng tin Bloomberg, chính nhân dịp này chẳng hạn mà tập đoàn Mỹ General Electric đã ký kết hai thỏa thuận với các công ty Việt Nam trong ngành điện trị giá gần 100 triệu đô la.
Trong lãnh vực văn hóa, một trọng tâm được bà Clinton nêu bật là giáo dục, trong đó có việc thu nhận thêm sinh viên Việt Nam qua Mỹ du học Trong buổi nói chuyện với cán bô, nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã tuyên bố vui mừng trước việc từ vỏn vẹn 800 người thời Tổng thống Clinton, số du học sinh Việt Nam tại Mỹ hiện đã tăng lên 15.000 người. Bà cho biết ý muốn nhân sô lượng đó lên “gấp đôi, gấp ba, gấp bốn” trong những năm tới đây.
"Dân chủ và thịnh vượng song hành với nhau"
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng không ngần ngại cổ vũ cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Trong buổi họp báo chung với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh ngày 10/07/2012, bà Clinton đã xác định rõ : « Tôi muốn nhắc lại những gì tôi đã nói tại Mông Cổ hôm qua (09/07). Tôi biết có người biện giải rằng các nền kinh tế đang phát triển cần phải ưu tiên trước hết cho tăng trưởng kinh tế, rồi sau mới lo đến chuyện cải tổ chính trị và dân chủ, nhưng đó là tính toán thiển cận. Dân chủ và thịnh vượng song hành với nhau, cải cách chính trị và tăng trưởng kinh tế liên kết với nhau, và Hoa Kỳ muốn ủng hộ cho sự tiến bộ trong cả hai lĩnh vực. »
Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp : « Do đó, tôi cũng đã nêu lên sự quan ngại (của Mỹ) về nhân quyền, trong đó có cả việc tiếp tục giam cầm những người đấu tranh, các luật sư, và những blogger, vì họ phát biểu tự do và ôn hòa những quan điểm và ý kiến (của họ). Chúng tôi đặc biệt quan ngại trước những hạn chế đối với quyền được tự do ngôn luận trên mạng, và phiên tòa sắp tới đây xét xử những sáng lập viên của Câu Lạc Bộ Nhà báo Tự do. Ông Bộ trưởng Ngoại giao và tôi đồng ý tiếp tục thảo luận thẳng thắn về những vấn đề này và tiếp tục mở rộng sự hợp tác với nhau ».
Một cộng sự viên của bà Clinton còn xác định với nhà báo là sự thiếu vắng tiến bộ của Việt Nam trong địa hạt này sẽ cản bước phát triển trong quan hệ Việt Mỹ, nhất là trong lãnh vực quốc phòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét