Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Chiến tranh "nước" đã bắt đầu ở Châu Á

Sông Brahmaputra đang cạn dòng do các đập thủy điện của Trung Quốc. Ảnh India.com  Từ lâu người ta đã nói về "chiến tranh nước". Các chuyên gia cho rằng, trong thế kỷ 21, nước ngọt sẽ thay thế dầu mỏ và khí đốt và trở thành nguyên nhân chính gây ra các cuộc xung đột vũ trang liên quốc gia.
Trong chừng mực nào đó “chiến tranh nước” đã bắt đầu ở châu Á. Trong số những nguyên nhân gây ra cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan, có tranh chấp về phân chia tài nguyên nước ở thượng nguồn sông Indus và các nhánh của nó.

Từ ngăn nước ở thượng nguồn sông Hằng...

Không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna lại nêu ra vấn đề Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện ngăn nước ở sông Brahmaputra (một trong những nhánh chính của sông Hằng (Ganga river) với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Bắc Kinh vừa qua. Đề án của Trung Quốc xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Brahmaputra cũng tiềm ẩn đầy rẫy tình huống dẫn đến xung đột.

Phía Trung Quốc khẳng định rằng, các công trình trên sông Brahmaputra không có mục đích dẫn dòng nước cho nhu cầu thủy lợi và công nghiệp, rằng, mục tiêu chính của đề án là sử dụng nước sông cho ngành thủy điện. Có nghĩa là, hầu như toàn bộ lượng nước sẽ quay trở lại xuống sông. Tuy nhiên, các hoạt động đo lường thực hiện ở vùng hạ lưu sông Brahmaputra cho thấy rằng, mực nước đã giảm đi đáng kể.

Vấn đề này là đặc biệt tế nhị vì con đập trên sông Brahmaputra đang được xây dựng chỉ cách 30 cây số từ biên giới với Ấn Độ. Tức là sát gần bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ - lãnh thổ tranh chấp với Trung Quốc.

Nhà phân tích người Nga Boris Volkhonsky của Viện nghiên cứu chiến lược nhận định: “Một trong những nội dung quan trọng nhất được thảo luận (giữa Ấn Độ và Trung Quốc) bên lề hội nghị SCO ở Bắc Kinh là vấn đề liên quan đến kế hoạch của Trung Quốc xây dựng các công trình thuỷ điện trên sông Brahmaputra, một trong các nhánh chính của sông Hằng – con sông lớn nhất của Ấn Độ. Đã mấy năm liền Trung Quốc thực hiện đề án quy mô lớn chuyển nước của một số con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng đến vùng đất khô cằn ở phía Tây Bắc. Hầu hết các công việc trong khuôn khổ đề án này đều là vấn đề nội bộ của Trung Quốc trừ các công việc trên sông Brahmaputra. Vì điều đó tác động trực tiếp đến lợi ích của các nước hạ lưu - Ấn Độ và Bangladesh... Trung Quốc kiểm soát đầu nguồn của hầu hết các con sông lớn ở châu Á. Đồng thời Trung Quốc không phải là thành viên của các công ước quốc tế về sử dụng nước và đã không ký kết bất kỳ thỏa thuận đa phương nào về các lưu vực cụ thể. Trung Quốc cũng không có thỏa thuận nào với Ấn Độ về phân chia nước sông Brahmaputra”.

... đến sông Mekong đang có chết dần chết mòn

Trung Quốc bắt đầu xây con đập thủy điện lớn đầu tiên năm 1986, trong dự án 14 con đập bậc thềm Vân Nam, chắn ngang dòng chính sông Lan Thương - tên Trung Quốc của sông Mekong.

Trong số 14 dự án xây đập này, có đập Mạn Loan cao 126m, công suất 1.500MW hoàn tất năm 1993; đập Đại Chiếu Sơn cao 118m, công suất 1.340MW hoàn tất năm 2003. Thêm hai con đập khác cũng được xây dựng là đập Tiểu Loan cao 292m, công suất 4.200MW (chỉ sau đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử) và đập Cảnh Hồng cao 107m, công suất 1.500MW.

Đập Tiểu Loan ở thượng nguồn sông Mekong. Ảnh mmk.blogspot.com

Bốn dự án đập lớn khác ở Vân Nam cũng được triển khai, trong đó phải kể tới đập “khủng” Ngọa Trác Độ công suất 5.500MW (lớn hơn gấp ba lần công suất đập Mạn Loan) với dung lượng hồ chứa 22.740 triệu m3 nước.

Theo học giả Mỹ Fred Pearce, chuỗi đập bậc thềm Vân Nam có khả năng giữ lại hơn nửa lưu lượng dòng chảy của sông Mekong. Từ ngày có những con đập ngăn nước ở Vân Nam, mực nước sông Mekong xuống thấp chưa từng có trong mùa khô. Ở một số nơi phía hạ lưu, có những khúc sông đã trơ đáy và hầu như cạn dòng. Nguồn cá và nông nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Tương lai mờ mịt của ngư dân ở hạ nguồn sông Mekong. 
Ảnh badongpost

Nhận định về các kế hoạch khai thác sông Mekong của Trung Quốc, chuyên gia Tyson Roberts thuộc Viện nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian (Mỹ) đã phát biểu: “Các bước khai thác của Trung Quốc làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm trầm trọng, khiến sông Mekong đang chết dần giống như sông Dương Tử và các con sông lớn khác ở Trung Quốc”.

Nguồn: baodatviet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét