Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Romneycare và Obamacare

...y phí sẽ giảm như hứa hẹn chỉ là viễn vông, đi ngược lại nguyên tắc kinh tế sơ đẳng...

Có nhiều người thắc mắc về Romneycare, là luật Cải Tổ Y Tế cựu Thống Đốc Massachusetts, Mitt Romney đã ban hành. Trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc hiện nay, ông Romney khẳng định luật cải tổ của ông khác xa luật cải tổ của TT Obama, và việc đầu tiên ông làm nếu đắc cử tổng thống là sẽ thu hồi luật Obamacare. Trong khi TT Obama muốn dồn ông Romney vào chân tường, thì lại xác nhận Romneycare chính là mô thức mẫu của ông.

Sự thật như thế nào?

ROMNEYCARE

Tiểu bang Massachusetts là một trong những tiểu bang cấp tiến nhất Mỹ, luôn luôn bầu dân biểu, nghị sĩ và các viên chức theo đảng Dân Chủ. Gia đình Kennedy thống trị chính trường tiểu bang này từ hơn nửa thế kỷ. Cả ba anh em John, Robert, và Ted Kennedy đều là thượng nghị sĩ tại đây. Hai ứng cử viên tổng thống gần đây của Dân Chủ là cựu Thống Đốc Michael Dukakis và Thượng Nghị Sĩ John Kerry cũng là dân Massachusetts.


Tiểu bang này cũng gặp tình trạng khó khăn y tế như tất cả các tiểu bang khác.

Năm 1986, TT Cộng Hòa Reagan ban hành luật Emergency Medical Treatment and Active Labor Act (EMTALA) bắt buộc nhà thương và xe cứu thương phải nhận bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp, bất kể có bảo hiểm hay không, thường trú hợp pháp hay không, dù không được Nhà Nước bồi hoàn qua Medicare hay Medicaid.

Luật này mang tính nhân đạo hiển nhiên, nhưng lại đẻ ra nhiều rắc rối: nhiều người bỏ mua bảo hiểm, chờ đến ngày bị chuyện khẩn cấp là chạy vào phòng cấp cứu, mà chi phí rất nặng. Đưa đến tình trạng các nhà thương bị khủng hoảng tài chánh, chi phi y tế leo thang mạnh. Để đối phó, chỉ có cách là bắt tất cả mọi người mua bảo hiểm y tế.

Tháng Sáu năm 2006, Thống Đốc Mitt Romney của Massachusetts ban hành Luật Y Tế mới của tiểu bang, với cái tên dài lướt thướt, Act Providing Access to Affordable, Quality, Accountable Heath Care, đại khái là luật giúp cho người dân có thể có được chăm sóc y tế với giá phải chăng, phẩm chất tốt và trong tinh thần trách nhiệm.

Theo luật này, tất cả dân Massachusetts bắt buộc phải có bảo hiểm y tế ngoại trừ một ít trường hợp đặc miễn, nếu không sẽ bị phạt tiền. Dĩ nhiên là bộ luật mới cực kỳ phức tạp, kẻ viết này không phải là chuyên gia y tế hay luật pháp nên khó đào sâu. Đại cương, những điều khoản chính là:

- Chính quyền tiểu bang sẽ nới rộng chương trình MassHealth, là chương trình tương tự như Medicaid của chính phủ liên bang, hay MediCal của tiểu bang Cali, là chương trình gần như hoàn toàn miễn phí cho những người nghèo nhất, được định nghiã là những người không có lợi tức, hay lợi tức không quá 150% “lằn ranh nghèo” (poverty level).

- Tất cả các công dân khác đều bắt buộc phải có bảo hiểm, hoặc là bảo hiểm tập thể do các sở làm cung cấp, hay bảo hiểm cá nhân họ phải mua. Nếu không có bảo hiểm, sẽ bị phạt một số tiền bằng nửa bảo phí mà họ phải trả nếu họ mua bảo hiểm bình thường, được tính là từ hơn 200 đô đến hơn 900 đô một tháng, tùy trường hợp cá nhân, địa phương, hãng bảo hiểm, mức bảo hiểm.

- Đối với giới lợi tức thấp, tức là không quá 300% mức “nghèo” mà không có MassHealth, hay thất nghiệp, hay công ty làm việc không có bảo hiểm tập thể, tiểu bang sẽ tài trợ một phần bảo phí.

- Các công ty có trên 10 nhân viên, sẽ phải bảo hiểm tối thiểu đến mức quy định cho nhân viên, nếu không sẽ phải đóng phạt đặc biệt.

- Tiểu bang lập ra cơ quan gọi là Massachusetts Health Insurance Connector, là một tập hợp các công ty bảo hiểm y tế bất vụ lợi với bảo phí rẻ cho những người không có medicaid nhưng lợi tức thấp (trong Obamacare, “connector” được gọi là “exchange”).

Thống Đốc Romney quảng bá luật y tế mới sẽ mang bảo hiểm y tế đến toàn dân, chứng minh chẳng phải chỉ có đảng Dân Chủ mới muốn bảo đảm y tế cho toàn dân. Vừa cung cấp bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người, vừa giảm chi phí y tế. Nghe quen quen vì cũng là những lập luận của TT Obama sau này.

Năm năm sau khi Romneycare được ban hành, kết quả đã có thể nhận định được phần nào. Chỉ “phần nào” thôi, vì một chương trình lớn lao như vậy dĩ nhiên là cần thời gian dài mới nhìn rõ hết hậu quả.

- Trước khi có luật mới, 6% dân Massachusetts không có bảo hiểm. Đến cuối năm 2009, chỉ giảm xuống tới 5%! Trong số này, 3% dân chúng không mua bảo hiểm mà chịu đóng tiền phạt vì tính ra vẫn chỉ bằng một nửa tiền bảo phí, 2% không có bảo hiểm vì nhiều lý do.

- Tiểu bang dự tính đến năm 2011 sẽ có 215.000 người mua bảo hiểm cá nhân với trợ cấp của Nhà Nước, với chi phí 725 triệu. Thực tế, đã có 340.000 người được trợ cấp với chi phí 1,35 tỷ, gấp đôi dự phóng. Một số lớn những người trong mức lợi tức được hưởng trợ cấp, bỏ bảo hiểm cá nhân đang có để chạy qua bảo hiểm có trợ cấp của tiểu bang.

- Cộng thêm với trợ cấp cho MassHealth, và chi phí hành chánh của cả chục ủy ban, cơ quan điều hành chương trình y tế mới, tiểu bang tốn gần hai tỷ một năm về chi phí y tế, đưa đến tình trạng ngân sách kể từ năm nay sẽ thâm thủng nặng. Chính quyền tiểu bang đang làm kế hoạch tăng thuế toàn dân trong năm tới 2012-2013 để bù đắp thâm thủng đó.

- Nói chung, chi phí dịch vụ y tế trong hai năm đầu của Romneycare đã tăng trung bình 7,5% một năm, cao hơn mức lạm phát, cao hơn mức tăng trưởng của lương, và cao nhất trong 50 tiểu bang. Tạp chí nổi tiếng The American Journal of Medicine cho biết nghiên cứu của họ cho thấy cải tổ y tế đã không cắt giảm chi phí y tế như TĐ Romney đã hứa hẹn gì hết.

- Năm 2007, trước khi có luật y tế mới, có 7.500 trường hợp cá nhân khai phá sản vì thiếu hụt tiền trả chi phí y tế. Hai năm sau cải tổ y tế, vẫn có 10.100 trường hợp phá sản vì lý do y tế. Nói cách khác, với luật mới, gánh nặng y tế trên lưng người dân vẫn không giảm, trong khi Nhà Nước thì lại phải chuẩn bị tăng thuế để bù đắp chi phí y tế quá cao.

- Báo Boston Globe nghiên cứu thấy mỗi năm có ít ra là một ngàn người không mua bảo hiểm, chịu đóng tiền phạt, đợi đến một vài tháng trước khi phải mổ hay vào nhà thương, mới mua bảo hiểm, đóng trung bình $1.200-$1.600 bảo phí cho vài tháng đó, rồi đi chữa trị, tốn trung bình $10.000, sau đó, lại bỏ mua bảo hiểm, chịu đóng phạt, khiến hãng bảo hiểm lỗ gần $8.000-$9.000 trong mỗi trường hợp. Boston Globe cũng nhận định phẩm chất các dịch vụ y tế có nhiều tiến bộ, chỉ không rõ những tiến bộ đó có phải là hậu quả trực tiếp của Romneycare hay không.

- Theo nghiên cứu của viện Beacon Hill Institute của đại học Suffolk, trong năm năm từ 2006 đến 2011, Romneycare đã tốn tới hơn 8,5 tỷ cho tiểu bang, cao hơn gấp bội chi phí y tế của tiểu bang trước khi có luật mới. Đối với quần chúng, năm 2009, bảo phí cá nhân tăng trung bình $290, trong khi bảo phí cho một gia đình tăng $2.500 một năm.

- Cũng theo Beacon Hill, trước khi có luật mới, các chuyên gia dự đoán luật mới sẽ cắt giảm chi phí y tế vì thiên hạ sẽ bớt xử dụng phòng cấp cứu vì ai cũng có bảo hiểm để phòng bệnh. Thực tế, sau khi luật y tế mới ra đời, trong hai năm, việc xử dụng phòng cấp cứu tăng hơn 200.000 lượt, hay 7%, và chi phí liên hệ các nhà thương phải trả tăng 36%, hay gần 950 tỷ. Việc tăng xử dụng phòng cấp cứu là hậu quả trực tiếp của chuyện gia tăng bệnh nhân, không đủ bác sĩ và nhà thương để phòng bệnh, khiến nhiều người chờ đến khi nguy kịch mới chạy vào nhà thương, đồng thời cũng là hậu quả của tăng bảo phí khiến nhiều người bỏ mua bảo hiểm, chịu nộp phạt, đợi đến khi nguy kịch thì chạy vào phòng cấp cứu.

Phe ủng hộ hãnh diện khoe Massachusetts có tỷ lệ bảo hiểm dân cao nhất nước. Phe chống đối phản bác cho rằng tiểu bang này giàu có, rất ít người không có bảo hiểm từ đầu, luật y tế mới chẳng thay đổi gì nhiều. Số người có bảo hiểm chỉ tăng 1%. Trong khi đó thì tiểu bang đã trở thành nơi có chi phí bảo hiểm và dịch vụ y tế cao nhất nước, bảo phí tăng nhanh nhất mỗi năm, và chính quyền tiểu bang có gánh nặng chi phí y tế theo tỷ lệ dân số cao nhất nước luôn.

ROMNEYCARE VÀ OBAMACARE

Trên căn bản, nói Romneycare là mô thức mẫu cho Obamacare không phải là sai nhưng cũng không đúng hoàn toàn. Đi vào chi tiết kỹ thuật thì sẽ khác biệt rất xa.

Trước hết phải nói ngay khác biệt quan trọng nhất là tình trạng của tiểu bang Massachusetts so với cả nước Mỹ. Tiểu bang này chỉ có sáu triệu dân, đa số là dân nhà giàu có tiền. Rất ít dân ở lậu, thường là đi làm công, làm vườn cho nhà giàu. Hầu hết đều có đầy đủ bảo hiểm sức khỏe, nên khi kế hoạch của TĐ Romney đưa ra, chỉ bảo hiểm thêm có khoảng 200.000 người. Trong khi nước Mỹ có gần 350 triệu dân, với hơn 30 triệu người không có bảo hiểm, trong đó có hơn 10 triệu dân ở lậu.

Chi phí của 30 triệu người so với 200.000 người phải nói là tăng 150 lần. Có nghiã là nếu Massachusetts tốn thêm hai tỷ một năm thì cả nước có thể sẽ phải tốn tương đương là 2-300 tỷ một năm.

Trong khi đó, nhu cầu nhà thương, bác sĩ, y tá, thuốc men cho 30 triệu người cũng lớn gấp trăm lần, Nhà Nước Liên Bang không có cách nào thỏa mãn được trong vài năm, trong khi nhu cầu của hai ba trăm ngàn người có thể được Massachusetts thoả mãn dễ dàng vì đây cũng là tiểu bang giàu với rất nhiều nhà thương, bác sĩ, đại học y khoa nổi tiếng như Harvard Medical School. Có nghiã là chưa đến nỗi đi đến tình trạng chờ đợi dài người mới được chữa trị, vậy mà vẫn không tránh khỏi việc gia tăng xử dụng phòng cấp cứu vì không đủ nhà thương và bác sĩ.

Luật Romneycare cũng chỉ áp dụng trong một tiểu bang, không phải trên 50 tiểu bang với 50 chính quyền khác nhau dưới một chính quyền liên bang. Tổ chức y tế của tiểu bang cũng khác 49 tiểu bang kia. Số người đi làm, số người có bảo hiểm, tuổi trung bình của dân, mức lợi tức, mức phát triển kinh tế, giá cả bác sĩ, nhà thương, bảo hiểm,… đều khác xa, nên khó so sánh.

Đây chính là khác biệt lớn nhất giữa Romneycare và Obamacare. Romneycare có thể nói là cái áo được đo, cắt, và may đúng cho kích thước của Massachusetts, trong khi Obamacare là cái áo một khổ duy nhất choàng lên 50 tiểu bang lớn bé, giàu nghèo khác biệt hoàn toàn. Khác biệt giữa Massachusetts và Alabama, hay Texas và Rhode Island chẳng hạn, quá lớn khó có thể áp dụng một luật duy nhất cho tất cả. Đây cũng là lập luận chính của ông Romney khi ông đòi thu hồi Obamacare. Ở đây cũng cần ghi nhận quan điểm của khối bảo thủ, bảo hiểm y tế là vấn đề của tiểu bang, để các tiểu bang giải quyết trong điều kiện và hoàn cảnh của tiểu bang, chứ không phải là vấn đề liên bang, với một giải pháp mà Mỹ gọi là “one size fits all” được.

Tuy nhiên, về nguyên tắc căn bản thì Romneycare và Obamacare rất giống nhau. Do đó, ta có thể luận ra hậu quả cũng tương tự, khác chăng là sẽ được phóng đại lớn gấp trăm lần.

Và ở đây, ta thấy tất cả những điều các chuyên gia chỉ trích Obamacare đều đã và đang xẩy ra tại Massachusetts với Romneycare.

- Số người có bảo hiểm gia tăng, đưa đến gia tăng mạnh gánh nặng y tế của Nhà Nước, trong khi gánh nặng y tế của người dân cũng tăng vì chi phí y tế tăng nhanh hơn lợi tức. Chuyện chi phí y tế sẽ giảm như hứa hẹn chỉ là viễn vông, đi ngược lại nguyên tắc kinh tế sơ đẳng. Làm sao chi phí có thể giảm được khi cầu (số người được bảo hiểm) tăng mạnh trong khi cung (số bác sĩ, nhà thương, thuốc men) không tăng theo kịp?

- Không ít người thà chịu phạt chứ không chịu mua bảo hiểm. Đợi đến khi nguy kịch mới mua bảo hiểm, chữa trị xong là lại rút ra, không đóng bao hiểm nữa, hoặc tệ hơn nữa, không mua bảo hiểm mà chỉ chạy đến phòng cấp cứu. Đưa đến tình trạng các nhà thương và hãng bảo hiểm bị mất cân bằng thu chi, phải tăng tiền chữa trị và bảo phí.

Trên căn bản, cả Romneycare lẫn Obamacare đều đáp ứng nhu cầu căn bản là giúp cung cấp bảo hiểm và dịch vụ y tế cho nhiều người hơn, chưa thể nói cho toàn dân được. Cải tổ tại Massachusetts có thể cũng nâng cấp phần nào phẩm chất dịch vụ y tế. Nhưng cái giá phải trả là tăng chi phí bảo hiểm cũng như dịch vụ y tế. Gia tăng này, giới trung lưu lãnh đủ trong khi đối với giới lợi tức thấp thì Nhà Nước chịu trong ngắn hạn qua trợ cấp, dài hạn Nhà nước sẽ phải tăng công nợ, tăng thuế, hay cắt giảm trợ cấp như medicare và medicaid, lúc đó sẽ ảnh hưởng đến giới lợi tức thấp.

Làm sao cân bằng được nhu cầu cung cấp bảo hiểm và phí tổn? Đâu là giải pháp hoàn hảo? Đâu là giải pháp cho các tiểu bang? Đâu là giải pháp cho liên bang? Đó là những câu hỏi mà nước Mỹ đã đặt ra từ mấy thập niên qua mà cho đến nay, cả Romneycare lẫn Obamacare vẫn chưa phải là đáp số thỏa đáng. (15-4-12)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét