Nguyễn Chính Kết
Ngày xưa, tại một thung lũng nọ có một làng khoảng 1000 dân cư. Một con đường độc đạo giúp dân cư ra khỏi thung lũng chẳng may bị một tảng đá khổng lồ từ trên núi lăn xuống, chắn ngang giữa đường khiến việc giao thông bị trở ngại. Tảng đá rất to nên dân làng dự đoán phải 500 người hợp lực lại cùng một lúc mới đẩy được ra khỏi con đường.
Trong làng có hàng chục nhóm thân hữu, nhóm nào cũng hạ quyết tâm dẹp bỏ cho bằng được tảng đá ấy. Có nhóm khoảng 50 người, có nhóm 100, có nhóm tới 200. Tuần nào cũng có một nhóm xung phong ra đẩy hòn đá. Nhưng chẳng nhóm nào đủ 500 người để có thể làm tảng đá di chuyển. Suốt ba mươi mấy năm qua, dân làng cứ hì hục liên tục hết năm này tháng nọ, cố gắng đẩy tảng đá ra khỏi con đường, nhưng tảng đá vẫn cứ nằm đó, không chịu rời đi.
Cả làng, ai cũng biết chỉ cần 500 người hợp lại cùng một lúc là đẩy được hòn đá ra. Dân làng có đến cả 1000 người nên có dư tiềm năng làm chuyện ấy. Nhưng chưa bao giờ dân làng tụ được đủ số người để làm. Các nhóm thân hữu tuy nhiều nhưng rất rời rạc: chẳng nhóm nào đông tới 500 mà cũng chẳng nhóm nào chấp nhận liên kết hay hợp tác với các nhóm khác để có đủ con số ấy.
Họ không hợp tác với nhau do bất đồng ý kiến: nhóm này chủ trương đẩy tảng đá qua phải, nhóm khác muốn đẩy qua trái, nhóm khác nữa đòi đẩy tới một vị trí khác. Nhóm này muốn dùng phương cách này, nhóm kia muốn dùng phương cách khác; nhóm này muốn đẩy vào giờ này, nhóm khác đòi vào giờ khác… Các nhóm đều thấy: chỉ bằng cách hợp tác với nhau mới có thể làm nổi việc ấy. Nhưng chẳng nhóm nào chấp nhận cùng hợp tác với nhóm khác. Có những nhóm chỉ muốn dành vinh dự đẩy được tảng đá ra cho riêng mình, không chấp nhận chia sẻ vinh dự ấy với nhóm nào khác. Có những nhóm đòi phải làm theo phương hướng hay cách thức của mình, nhóm nào muốn hợp tác với họ thì phải làm theo cách thức của họ, theo sự chỉ đạo của họ; nhưng có nhóm nào chấp nhận làm theo phương cách của nhóm khác đâu! Ngay trong cùng một nhóm, có những người tuyên bố: “Hễ có ông A hay có chị B thì không có tôi”.
Suốt ba mươi mấy năm qua, các nhóm cứ thay phiên nhau ra đẩy tảng đá theo hướng và cách của mình, nhưng than ôi, tảng đá vẫn cứ sừng sững ở đó, gây không biết bao nhiêu khó khăn cho dân làng.
Dân làng trên thật đáng thương, nhưng cũng đáng tội! Chỉ cần ba bốn nhóm thân hữu liên kết với nhau là có dư người để đẩy bay tảng đá đi. Liên kết được với nhau thì chỉ một vài ngày là dẹp xong tảng đá, đâu phải để đến mấy chục năm mà không xong?! Việc đẩy tảng đá qua trái hay qua phải, làm theo cách này hay cách kia, nào phải chuyện quan trọng? Điều quan trọng là cùng đồng thuận với nhau theo một hướng nào đó, giờ nào đó, cách nào đó. Giả như đồng thuận được với nhau theo hướng dở nhất, cách dở nhất hay giờ bất thuận lợi nhất mà liên kết được với nhau và đẩy được tảng đá đi thì vẫn tốt và khôn ngoan gấp trăm lần việc đòi cho được mọi người phải theo hướng mà mình cho là hay nhất, để rồi cuối cùng chẳng làm được gì!
Hễ cùng đồng thuận được với nhau thì việc gì cũng xong, khó mấy cũng thành. Người xưa nói: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Trái lại, không đồng thuận với nhau thì việc dù nhỏ cũng khó thành. Đông người nhiều nhóm mà không đồng thuận được với nhau thì không bằng ít người ít nhóm mà đồng thuận. Nên vấn đề chính yếu nhất chính là sự đồng thuận.
Nhưng Trời sinh con người “bá nhân bá tánh”, mỗi người nghĩ một cách, mỗi người quan niệm một kiểu, làm sao đồng thuận được? Nhất là ai cũng cho tư tưởng mình là hay nhất, ý kiến mình là tuyệt vời nhất, ít ai muốn chấp nhận ý kiến người khác, làm sao đồng thuận bây giờ? Đó là vấn đề muôn thuở của con người.
Trước sự khác biệt ý kiến như vậy, trong lịch sử, ta thấy có hai phương cách chính để đạt được sự đồng thuận:
1) Phương cách độc tài: Tiêu biểu của phương cách này là câu: “Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”, “Lẽ phải và quyền lực ở trên đầu súng”. Theo đó, người hoặc phe nào mạnh thì dùng sức mạnh hay bạo lực để ép buộc người khác phải theo ý của mình. Ai không theo sẽ bị trù dập, loại trừ, hoặc bị tiêu diệt. Đồng thuận theo kiểu này là đồng thuận giả tạo, vì mọi người dù trong lòng không đồng thuận cũng phải tỏ ra mình đồng thuận vì sợ hãi.
2) Phương cách dân chủ: Tinh thần của phương cách này là “Đa số thắng thiểu số”, hay “Thiểu số phục tùng đa số”. Theo phương cách này, mọi người đều được tự do phát biểu ý kiến, nhưng chỉ một vài ý kiến có đông người phát biểu nhất được tuyển ra để mọi người bỏ phiếu chọn. Ý kiến nào được hơn một nửa số người chọn thì được coi là ý kiến chung. Nhờ vậy mọi người đều vui vẻ chấp hành.
Hai phương cách này, phương cách nào cũng có ưu và nhược điểm của nó. Nhưng cho tới nay, sau hàng nghìn năm được thử nghiệm trong lịch sử, phương cách dân chủ có ưu điểm vượt trội hẳn phương cách kia. Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chọn phương cách dân chủ để đạt được sự đồng thuận chung. Chỉ còn một số rất ít quốc gia vẫn còn theo phương cách độc tài. Những quốc gia này hầu hết bị tụt hậu, đói khổ, tệ hại nhất là nhân quyền bị chà đạp. Nếu có phát triển được về kinh tế như Trung cộng thì số người hưởng được thành quả sự phát triển ấy chỉ là một thiểu số rất nhỏ so với đại đa số dân chúng đều nghèo khổ.
Trở lại câu chuyện tảng đá chắn đường tại thung lũng kia, ta thấy các nhóm không có khả năng liên kết với nhau, không tạo được sự đồng thuận chung theo phương cách dân chủ để cùng hợp tác với nhau đẩy tảng đá ra khỏi con đường. Điều đó có nghĩa: chính họ chưa có tinh thần dân chủ, không biết tạo sự đồng thuận bằng phương cách dân chủ. Như thế, làm sao họ làm cho mọi người có tinh thần dân chủ được? Làm sao họ xây dựng được một xã hội dân chủ? Làm sao họ lãnh đạo được xã hội trong tinh thần dân chủ? Nếu có lãnh đạo, thì thể chế thích hợp nhất mà họ sẽ áp dụng hẳn nhiên phải là một chế độ độc tài.
Vì thế, quả là một thách đố lớn lao đối với những nhóm người cùng quyết tâm xây dựng một xã hội dân chủ nhưng lại không tạo được sự đồng thuận với nhau theo phương cách dân chủ để có thể liên kết hay hợp tác với nhau? Việc tương đối dễ mà làm còn không được, nói gì đến việc khó hơn? Dân làng không mấy tin tưởng hay kỳ vọng vào các nhóm thân hữu này, họ có lý của họ! Phải chăng quyết tâm hay ước muốn của các nhóm thân hữu kia chỉ là... ảo tưởng?
Houston, 30/3/2011
Nguyễn Chính Kết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét