Qua phương tiện Thông Tin Tòan Cầu (internet), mỗi ngày chúng ta thường đón nhận nhiều thông tin và nhiều trao đổi giữa người quen có, người lạ cũng có. Có người trước quen sau thành lạ. Có người trước lạ sau lại quen gắn bó với nhau, sinh hoạt với nhau như chiến hữu dù chưa một lần gặp gỡ.
Muốn từ lạ thành quen người ta thường phải trao đổi, phải tìm hiểu nhau trong một tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Ngặt nỗi chúng ta lại thường dựa trên đúng sai không phải để tìm hiểu, mà để thành tranh luận thắng thua, rồi biến thành cãi cọ nhục mạ lẫn nhau, bới móc đời tư hay việc làm quá khứ của nhau và tệ hại nhất là khép cho nhau những điều không đúng. Từ chuyện hai người lại nhanh chóng kéo người khác vào, chuyện nhỏ xé ra to, trước quen sau thành lạ cũng chỉ vì hai chữ đúng sai.
Tựa đề của bài viết có ba phải hay không? Sáng sớm hôm nay tôi đã phải trả lời hai điện thơ, một từ Quốc Nội và một từ tiểu bang khác, cũng chỉ vì hai chữ đúng sai. Cả hai người đều là người thật và theo tôi đều hết lòng với công cuộc đấu tranh để giải thể chế độ cộng sản. Xin viết vài bài để tâm sự cùng bạn đọc về hai chữ đúng sai.
o0o
Tôi bị cái bệnh nghề nghiệp “xét đơn” nên mới đặt ra “Có Phải Đúng là Đúng ? Có Phải Sai là Sai ?” Số là mỗi năm tôi phải xét trên 40.000 lá đơn các trường hợp đều tương tự như nhau. Chi tiết của tất cả các đơn đều đã được đưa vào máy điện tóan để người xét đơn dễ dàng so sánh giữa các đơn và chọn ra chừng 200 trường hợp xứng đáng nhất.
Bốn năm về trước công việc này cần trên dưới 100 người. Tôi được thượng cấp giao cho việc xây dựng một mô hình để sử dụng máy điện toán chọn ra 1.000 trường hợp xứng đáng nhất để chỉ cần 10 người có thể hoàn tất công việc xét đơn. Tại Úc người nộp đơn có quyền đặt câu hỏi tại sao anh chọn ông A mà không chọn tôi? Lẽ dĩ nhiên mặc dù chọn bằng máy điện tóan tôi cũng phải trả lời rõ ràng câu hỏi của người nộp đơn. Để trả lời câu hỏi nêu trên tôi phải chứng minh cũng là một việc, nhưng việc này đúng trong trường hợp người kia lại không đúng trong trường hợp người này.
Đừng nói là hệ thống hành chánh Tây Phương thiếu tình cảm. Như ngay sau trận lũ lụt tại Queesland, NSW và Victoria, tháng 2 vừa qua, tôi nhận ngay được điện thơ từ thượng cấp nhắc nhở phải hết sức cẩn thận và tế nhị khi xét những đơn trong vùng lũ lụt.
Tôi cũng may mắn phụ giúp một cụ lang nhờ vậy học hỏi được một điều ngay cả ngành đông y: mọi sự cũng tùy trường hợp. Số là sau 1975, các cụ lang đều phải chuyển sang sử dụng thuốc Nam, cụ cần người để tìm mua thuốc Bắc và kiếm thuốc Nam (lá cây ở miền Nam) nên sẵn tôi có đến bảy nghề (thất nghiệp) tôi xung phong giúp cụ.
Chuẩn bệnh theo Đông y thật khó, không chỉ lắng nghe bệnh nhân khai bệnh, bắt mạch rồi cho toa thuốc. Cũng cùng một bệnh, người Nam khác, người Nữ lại khác, người già khác, người trẻ khác, người mập khác, người ốm khác, ... Người kinh nghiệm còn phải biết chuẩn đóan lý do gây ra bệnh ăn chơi quá, làm việc quá, nghĩ bậy quá ... nói thẳng ra là mỗi trường hợp mỗi khác. Từ đó cân nhắc thêm bớt vị thuốc này, thay đổi vị thuốc kia cho đúng với trường hợp của bệnh nhân. Vì thế người lương y khi cho toa mỗi người mỗi khác mặc dù bệnh nhân mang cùng một thứ bệnh.
Với Tây Y tôi tin rằng cũng không khác mấy. Tây Y lại còn có cả bác sỹ chuyên khoa. Nếu bác sỹ mà chuẩn bệnh không chính xác còn có thể bị đưa ra tòa, bị tù, mất giấy hành nghề, bị bồi hòan cho thân chủ, mất uy tín và vẫn bị lương tâm cắn rứt.
Nói thế là ở các xứ có luật lệ hẳn hòi, còn ở Việt Nam thì lại khác xa một trời một vực. Một bạn đọc của tôi tên là chị Nguyễn Thị Hoài Bắc (Tố Uyên) cho biết chị đã bị bác sỹ Nguyễn Đức Hinh – Phó giám đốc Bệnh viện phụ sản Trung ương hủy hoại thân thể làm mất khả năng làm mẹ sinh con. Số là trong ca mổ ngày 4-01-2007, bác sỹ Hinh không tiến hành mổ nội soi bóc tách khối u như đã ghi rõ trong sổ y bạ. Bác sỹ Hinh không đem mẫu bệnh phẩm của chị đi làm xét nghiệm để biết được khối u lành tính hay ác tính, bác sỹ Hinh vội vàng tiến hành mổ phanh và cắt luôn 2 bên buồng trứng, cắt hoàn toàn tử cung và mạc nối lớn của chị. Trường hợp của chị đã được Diễn đàn Vietnam Exodus đưa ra cho công chúng biết sau khi chị đã gởi đơn đến nhiều cửa công quyền mới nhận ra rằng công lý không có tại Việt Nam .
Tôi lấy hai công việc tôi đã làm qua để thấy cho dù người Úc đã xây dựng một hệ thống với luật pháp với tiêu chuẩn hẳn hòi như thế, mà còn cứu xét trong từng trường hợp khác nhau với những tiêu chuẩn rõ ràng. Họ cũng mang tình cảm vào việc cứu xét mà không thuần xét theo lý. Còn Y khoa cả Đông lẫn Tây đều đã được xây dựng cả ngàn năm thế mà họ đều chuẩn bịnh theo từng trường hợp. Trong khi người Việt mình chỉ gắn bó với nhau trong ý chí giải trừ cộng sản mà mỗi người hay vài người gọp lại tự đặt cho mình lập trường hay nguyên tắc riêng ai làm khác mình là sai thì quả thật là không có tôi.
Tuần trước trên một diễn đàn, một vị đã góp ý cho một bạn trẻ như sau: “Bảo vệ đến cùng lý tưởng hoặc chân lý là việc làm đáng khen. Anh bạn có cái cá tính này, cá tính thể hiện bản chất của con người không sợ sệt trước áp lực. Tuy nhiên anh bạn cần phải sáng suốt để đánh giá những điều nào đáng cần thiết để bảo vệ đến cùng. Chính anh bạn cũng đồng ý với tôi là trong sinh hoạt mỗi người mỗi ý, nhưng không có nghĩa nếu tôi đúng thì anh sai. Có chăng đó chỉ là sự khác biệt giữa các ý kiến với nhau mà thôi. Và nếu mình thực lòng tôn trọng sự khác biệt của người khác, mọi chuyện sẽ không có gì ầm ỉ. Nhưng nếu cứ một mực “tôi đúng anh sai” thì ngàn trang giấy cũng không chứa đủ những lời nhục mạ dành cho nhau... Tay nghề Kinh nghiệm làm nên nghiệp vụ. Thông minh Tài trí làm nên sự nghiệp. Nhưng chỉ có NHÂN CÁCH mới làm nên con người. Đây là câu cuối tôi gởi đến anh bạn như một món quà nhỏ gởi tặng nhân mùa Phục Sinh sắp đến. Chúng ta hãy cùng làm sống lại nhân cách của chính mình.”
Quả thực khi xét về ý hay về suy nghĩ của con người thì vô cùng phức tạp. Ngày hôm qua tôi suy nghĩ như thế, nhưng đối thọai với bạn tôi có thể thay đổi khác đi, con người ảnh hưởng lẫn nhau, môi trường ảnh hưởng chúng ta, xã hội ảnh hưởng chúng ta, cho nên không có gì là tuyệt đối đúng sai.
Thế nhưng trong quá khứ nhiều người trong chúng ta phải sống dưới chế độ cộng sản, cả một hệ thống tuyên truyền nhồi nhét thắng thua, ta ngụy, nhất trí, duy nhất, trắng đen, ... đúng sai, ắt hẳn chúng ta cũng bị ít nhiều ảnh hưởng. Thay đổi thói quen suy nghĩ nhất nguyên thật là khó.
Suy nghĩ của mỗi người là biểu tượng của tự do cá nhân, mà người này được quyền tận hưởng. Suy tư mỗi người vì thế thật đa chiều đa dạng. Suy tư của nhiều người thì đa nguyên, qua đối thọai và tôn trọng lẫn nhau sẽ trở thành suy nghĩ chung. Suy nghĩ chung sẽ biến thành hành động tập thể.
36 năm qua chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ bởi vì chúng ta đã xây dựng cho chính chúng ta những bức tường kiên cố, để kiên định lập trường, để tuân thủ nguyên tắc. Nhưng trên thực tế chúng ta chỉ gặp nhau vì cùng chung một quan tâm về vận mệnh đất nước, về vận mệnh dân tộc. Ai cũng như ai và chẳng ai có quyền với ai cả. Trong bài tới tôi sẽ mở rộng đề tài Có Phải Đúng là Đúng? Có Phải Sai là Sai? sang hoàn cảnh đấu tranh cho tự do dân chủ.
Mùa Đông sắp đến tại Úc châu xin gởi đến bạn câu chuyện con nhím và mùa Đông như đôi lời tạm kết.
Một đàn nhím tìm đến nhau, chia hơi ấm, trong muà Đông giá lạnh. Lông cuả chúng đâm vào da thịt nhau. Đau đớn bắt chúng phải tách xa ra. Mùa đông vẫn tiếp tục, càng lúc càng lạnh hơn. Chúng phải xích gần nhau hơn tìm hơi ấm. Mỗi con phải tự biết khép lông, phải hiểu phản ứng của cả đàn để cùng tồn tại qua đông.
Sinh hoạt chính trị đấu tranh giành lại tự do của chúng ta đã tồn tại và phát triển chẳng khác gì đàn nhím và muà đông. Mùa đông đây chính là bộ máy của đảng Cộng sản. Chỉ khác là một bộ máy ấy đã mất dần hiệu lực, đang bị tê liệt. Chỉ cần một chút cố gắng là chúng ta có thể thay thế được bộ máy này để mang mùa Xuân Tự Do và Dân Chủ đến cho Việt Nam. Ngặt nỗi lông của nhiều người quá dài nhưng không chịu khép lại nên cứ như thế tiếp tục đâm vào nhau.
Xin hẹn bạn trong bài viết tới.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
27/3/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét