Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Quan ngại biển Đông "sóng lớn" vì TQ "quá đà"

Mỹ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc liên tiếp sử dụng vũ lực nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền biển tại biển Đông, đồng thời kêu gọi tìm một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng hiện nay.

Trước hành động hung hăng và ngang ngược của Trung Quốc trong vòng hai tuần qua liên tục gây hấn, cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam khi đang thăm dò hoạt động trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; cũng như với Philippines hồi tháng 3/2011 và một số va chạm năm 2010 tại quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là đảo Điếu Ngư) nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản, Văn phòng Thượng nghị sỹ Jim Webb - Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ - hôm qua (10/6) đã ra thông cáo báo chí, nêu rõ : "Hành động đe dọa của Trung Quốc gây quan ngại sâu sắc. Mỹ có lợi ích chiến lược rõ ràng trong việc tạo điều kiện cho một phương thức tiếp cận đa phương, hòa bình để giải quyết các tranh chấp kể trên, đảm bảo tự do thông thương theo luật pháp quốc tế".


Lên án việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc

Ngày 13/6 tới, Thượng nghị sỹ Webb sẽ đệ trình một nghị quyết lên Thượng viện Mỹ lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực tại biển Đông, đồng thời kêu gọi tìm ra một giải pháp đa phương và hòa bình cho các tranh chấp về lãnh hải tại vùng biển này.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cũng nhấn mạnh : "Chúng tôi lo ngại trước một số thông tin về tình hình ở biển Đông và cho rằng những thông tin đó chỉ làm gia tăng căng thẳng, mà không đóng góp cho hòa bình cũng như an ninh trong khu vực. Chúng tôi ủng hộ một tiến trình ngoại giao hợp tác và kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền đưa ra những yêu sách chủ quyền, cả trên bộ và trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế...".

Ông Mark Toner nêu rõ : "Chúng tôi không ủng hộ bất cứ hành động nào góp phần làm gia tăng căng thẳng hiện nay. Chúng tôi nghĩ điều đó sẽ không có ích. Điều cần thiết là một tiến trình ngoại giao hợp tác, một tiến trình hòa bình để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Việc phô trương sức mạnh và các hành động khác sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng". Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington và cộng đồng quốc tế cùng chia sẻ lợi ích chung trong duy trì an ninh hàng hải ở khu vực biển Đông thông qua tự do hàng hải, phát triển kinh tế và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Với tiêu đề "Bắc Kinh cần kiềm chế trên biển", tờ Daily Youmuri của Nhật Bản mới đây cho rằng, Trung Quốc đã phá vỡ cam kết trong "DOC 2002" và đang ngày càng ngang ngược trên biển. Phân tích sâu hành động hung hăng quá đà của Trung Quốc, bài báo chỉ rõ nguyên nhân chính là kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm của nước này đặt trọng tâm vào mở rộng các lợi ích trên biển. Vì thế, các thành viên ASEAN phải đoàn kết chặt chẽ để bảo vệ vùng biển của mình, không để Trung Quốc biến nó thành "ao nhà". Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của cộng đồng quốc tế nếu những điều họ nói không giống những gì họ làm.

Từ hành động, "lộ" bản chất

Nhớ lại hôm 4/6, tại Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh cấp cao châu Á ở Singapore, khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt không ngừng nhấn mạnh Bắc Kinh không mở rộng quân sự, xưa nay không có ý đe dọa nước khác… thì lập tức gặp phải sự phản ứng của chuyên gia các vấn đề châu Á Đại học Canbera (Australia), ông Christopher Roberts : "Rõ ràng là những cam kết của Trung Quốc đối với an ninh khu vực không hề thuyết phục được người khác. Những điều Trung Quốc nói và những việc nước này đã làm xem ra có một số khác biệt".

Minh chứng điển hình nhất là điểm lại những việc Trung Quốc làm ngay sau khi ông Lương Quang Liệt rời khỏi hội nghị Shangri-La ngày 5/6: căng thẳng ở biển Đông gia tăng khi Trung Quốc khởi động bằng cách cắt dây cáp tàu thăm dò dầu khí Viking II của Việt Nam. Sau đó, việc hàng loạt tàu Trung Quốc tràn qua Nhật Bản, chọc thủng “chuỗi đảo thứ nhất” hôm 7/6 để tiến vào Thái Bình Dương thực sự là “trận động đất trên biển”, khiến Nhật Bản cũng phải lo sợ...

Chưa dừng lại, chỉ hai ngày sau, quân đội Trung Quốc thông báo sẽ tập trận trong vùng biển quốc tế ở Tây Thái Bình Dương từ giữa tới cuối tháng này, dù Bắc Kinh khẳng định cuộc diễn tập không vi phạm luật quốc tế và cũng không nhằm vào đối tượng đặc biệt hay bất kỳ quốc gia nào. Tiếp đến, ngày 9/6, lần đầu tiên phát biểu về những phản đối của Manila, đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu tuyên bố: Trung Quốc cảnh báo các nước láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.

Một nhà phân tích người Trung Quốc, ông Wu Fan, chủ bút tạp chí China Affair có trụ sở tại Mỹ, cho biết Bắc Kinh đã bắt đầu lục tìm lại các ghi chép lịch sử từ thời phong kiến tiền 1911 để tìm những cứ liệu biện minh cho tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, nơi được cho là có nhiều tài nguyên. Rồi khẳng định mới đây của Cục trưởng Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, ông Lưu Tứ Quý trên một tờ báo của ngành này rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục ưu tiên tăng cường lực lượng hải giám càng chứng tỏ tham vọng biến biển Đông thành ao nhà của Bắc Kinh. "Việc ưu tiên này vì các lợi ích hàng hải của Trung Quốc, cũng như đẩy mạnh kiểm soát của Bắc Kinh đối với các vùng biển tranh chấp... Bảo vệ các lợi ích hàng hải quốc gia đang là một nhiệm vụ gian nan trong bối cảnh cuộc tranh giành quốc tế các nguồn tài nguyên và lợi ích chiến lược đang ngày càng căng thẳng và phức tạp", ông Quý nhấn mạnh.

Theo giới phân tích, những tuyên bố của ông Lưu Tứ Quý hoàn toàn nhất quán với các nỗ lực thời gian qua của Bắc Kinh trong việc đẩy nhanh việc xây dựng một hạm đội hoạt động xa hiện đại. Trung Quốc có 9 trực thăng và hơn 260 tàu, trong đó có ít nhất 26 tàu hải giám với lượng choáng nước trên 1.000 tấn. Ngoài ra, giới chức hàng hải Trung Quốc cho biết lực lượng hàng hải tiến hành hơn 1.600 cuộc giám sát biển trong 5 năm qua, tổng cộng bao quát được 1,6 triệu hải lý. Bắc Kinh cũng tiết lộ một kế hoạch tham vọng tăng cường thêm nhiều tàu hải giám hiện đại trong 5 năm tới, theo đó lực lượng giám sát biển sẽ được mở rộng lên 16 trực thăng và 350 tàu, với 45 tàu trên 1.000 tấn.

"Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức xác nhận rằng, nước này đang hoàn thiện tàu sân bay nhưng không nói rõ khi nào nó sẽ được đưa vào phục vụ", tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 8/6 thông tin.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc từng bước tăng cường sức mạnh quân sự của mình, công khai thể hiện tham vọng trở thành cường quốc chính trị - quân sự số 1. Riêng năm 2010, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đạt 81 tỷ euro, chiếm 7,3% chi phí quốc phòng thế giới, vượt cả Anh, Pháp và Nga. Tuy nhiên, so với Mỹ thì khoảng cách còn xa, năm 2010, Mỹ chi đến 682 tỷ euro.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng cảnh báo tại Đối thoại Shangri-La rằng, có những “quan ngại ngày càng gia tăng” về hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển tranh chấp khác tại châu Á. Ông Gates nói: "Tôi e rằng nếu không có quy tắc và phương pháp tiếp cận thống nhất để giải quyết những vấn đề này thì còn sẽ có đụng độ".

Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta, người nhiều phần chắc chắn sẽ kế vị ông Robert Gates từ ngày 1/7 tới, hôm qua tuyên bố theo dõi sát tình hình vì tốc độ và quy mô hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc, kết hợp với việc thiếu minh bạch, đã đặt ra nhiều nghi vấn.

Vũ Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét