Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Việt Nam: làm gì sau khi được bầu vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ?

G.S Vũ Quốc Thúc
-----------
Ngày 16 tháng 10 vừa qua , nước Việt Nam đã được bầu làm thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc . Đối với kẻ viết bài này , đây là một biến chuyển chính trị rất quan trọng , có lẽ còn quan trọng hơn cả việc nước ta đã được chấp nhận vào Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế ( W.T.O.) hay được Hoa Kỳ chuẩn cấp quy chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn ( P.N.T.R ) . Tại sao ? Tại vì hai sự việc vừa kể chỉ mang lại cho ta lợi lộc trong chừng mức chúng ta có đủ khả năng khai thác những dễ dàng kinh tế và tài chánh mới đoạt được .Trái lại , việc nước ta được bầu làm Hội viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với một đa số khá ngoạn mực ( 183 phiếu thuận , 0 phiếu chống trên tổng số 192 quốc gia hội viên ) mang lại cho dân tộc Việt một cơ hội rất thuận lợi để mở một trang sử mới đầy hứa hẹn . Với điều kiện là chúng ta biết đặt những quyền lợi tối thượng của đất nước lên trên mọi lợi ích riêng tư , mọi xu hướng tư vị , tư thù...

Trong một cuộc phỏng vấn bất ngờ của đài B.B.C , ngay buổi sáng ngày 17/10/2007
( bất ngờ vì không hẹn trước và cũng không dành thời giờ chuẩn bị tư tưởng ) , tôi đã không ngần ngại giãi bầy với ký giả Lê Quỳnh niềm hân hoan thành thực của tôi sau khi nhận được tin này .
Trước hết , ở cương vị một người Việt tị nạn cộng sản sinh sống tại Pháp suốt 29 năm qua , tôi không thể không hãnh diện khi thấy nước mình được chấp nhận làm thành viên , dù chỉ với nhiệm kỳ 2 năm , của cơ quan được coi là có quyền và trách nhiệm duy trì nền trật tự và hòa bình của toàn thế giới . Vẫn biết , theo quy tắc luân phiên , lần lượt mỗi quốc gia hội viên của Liên Hiệp Quốc đều có khả năng được bầu vào số 10 thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An : nhưng vào thời điểm tháng 10 / 2007 này , Việt Nam có thể gặp sự chống đối của một vài nước trong số 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết . Chẳng hạn , Hoa Kỳ hay Anh Quốc , Pháp Quốc có thể viện lý do là chính quyền Cộng sản đương nhiệm đã không tôn trọng những nhân quyền và dân quyền cơ bản được nêu cao trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 và các Công Ước Quốc Tế tiếp nối . Riêng Trung Quốc có thể e ngại rằng một khi Việt Nam được vào Hội Đồng Bảo An , đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ thoát khỏi " sự bảo trợ " của đảng Cộng Sản Trung Hoa . Việc phủ quyết này đã không xẩy ra . Con số 183 phiếu thuận chứng tỏ là Việt Nam được sự ủng hộ của hầu hết các nước hội viên của Liên Hiệp Quốc : đó là một lợi khí tinh thần rất quý báu có thể giúp ta thành công trong các cuộc vận động ngoâi giao tương lai . Có những người từ trước đến nay thường nêu cao giả thuyết là Bắc Kinh có thể " trừng phạt " nếu Hà nội đi " chệch hướng " , không theo đúng khuôn mẫu " xã hội chủ nghĩa có thị trường " đang được thử nghiệm ở Trung Quốc : có nhiều triển vọng là những người này sẽ lấy lại được niềm tự tín cần thiết cho mọi kẻ lãnh đạo và như vậy sẽ không còn chủ trương nhượng bộ trước những yêu sách quá đáng của nước láng giềng phương Bắc nữa .
Một điều nên để ý : cơ hội thuận tiện hiện thời , nếu ta không biết lợi dụng , chỉ có thể gặp lại , sớm nhất là sau 25 năm nữa . Kinh nghiệm cho thấy dân tộc ta đã " bỏ lỡ nhiều chuyến tầu lịch sử " và phải gánh chịu vô vàn hậu quả bi đát của những sự sai lầm ấy . Nếu ta lại để " lỡ tầu " một lần nữa , ta sẽ có tội nặng đối với hậu thế . Câu hỏi đương nhiên được đặt ra : Việt Nam nên làm gì trong nhiệm kỳ 2 năm giữ vị trí hội viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ? Giải đáp câu hỏi này không có nghĩa là " mách nước " để củng cố chính quyền đương nhiệm . Vả chăng , ủng hộ hay chống đối chính phủ là quyền cơ bản của mỗi công dân . Do đó trình bầy quan điểm chính trị của mình phải được coi là một quyền tự do bất khả xâm phạm , thậm chí là một tiển đề của thể chế dân chủ .

Việc đầu tiên nên làm là kiện toàn nền độc lập của xứ xở . Nói như vậy chắc nhiều người ngạc nhiên : về pháp lý , Việt Nam đâu còn là một thuộc địa của ngoại bang nào nữa ? Chúng ta chẳng là một hội viên của Liên Hiệp Quốc hay sao ? Việc này không ai có thể phủ nhận . Điều chúng tôi muốn nói ở đây là tình trạng độc lập thực tế . Chúng tôi từng chứng minh rằng Chính quyền Bắc Kinh có xu hướng coi chính quyền Hà Nội như là " chư hầu " còn mình là " Thiên Triều " . Tại sao ? Vì sau khi mất sự " che chở " của Liên Xô , năm 1991 , chính quyền cộng sản Việt Nam đã tự nguyện đặt mình dưới sự " hỗ trợ " của chính quyền cộng sản Trung Hoa để đề phòng sự " trở lại " của Hoa Kỳ . Một trong những cam kết của các đại diện Đảng Cộng Sản Việt Nam trong cuộc thương thuyết với đại diện Đảng Cộng Sản Trung Hoa ở Thành Đô để tái lập quan hệ thân hữu giữa hai nước sau cuộc xung đột đẫm máu năm 1979 là sẽ giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa . Một cách cụ thể , điều này được hiểu là thể chế chính trị ở Việt Nam sẽ " rập " đúng kiểu mẫu Trung Hoa . Trung Hoa không cần phái quân đội và công chức sang cai trị nước ta ; Đảng Cộng Sản Việt Nam đóng vai " mại bản " đó rồi . Dĩ nhiên tình trạng lệ thuộc này chỉ tồn tại nếu những phần tử thân Bắc Kinh tiếp tục nắm bộ máy Đảng và qua Đảng nắm toàn thể bộ máy Nhà nước Việt Nam . Để kiện toàn nền độc lập của xứ xở , như vậy , chỉ cần xửa đổi Hiến Pháp nhằm trả lại chính quyền cho Nhân dân , người chủ chính thống của đất nước . Nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam được quốc dân tín nhiệm , Đảng sẽ chiếm đa số qua một cuộc tổng tuyển cử tự do và trung thực :
do đó vẫn giữ được chính quyền . " Danh chính ngôn thuận " : tại sao Đảng lại sợ ? Tại sao vội vã khẳng định đó là " tự sát " ?

Việc kế tiếp nên làm là biến tình trạng trung lập thực tế hiện thời ( neutralité de fait ) thành một nền trung lập pháp lý ( neutralité de droit ) . Có người đã ví chính sách " luồn lách "
khôn khéo của nhóm lãnh tụ đương quyền ở Hà Nội như là một " nghệ thuật đu dây " . Người ta không để ý đến những hậu quả có thể rất tai hại của chính sách này . Tại sao ? Để tránh nguy cơ té nhào , kẻ đu dây khi nghiêng về tay mặt , khi nghiêng về tay trái . Trong thực tế chính trị , điều này có nghĩa là khi cần thì nhượng bộ " một chút " cho Bắc Kinh , " một chút " cho Hoa Thịnh Đốn , để lấy lòng cả hai bên . Khốn nỗi : nếu nhường Bắc Kinh một cái lợi nào đó thì chỉ ít lâu sau phải nhường Hoa Thịnh Đốn một cái lợi tương đương . Và cứ như thế , như thế , theo đúng ngạn ngữ " được đằng chân lân đằng đầu " : nền độc lập của xứ xở dần dần hao mòn , cơ hồ mất hết ! Vả chăng , cách xử sự này mở đường cho ngoại bang dùng mọi thủ đoạn , vương đạo cũng như bá đạo , để tạo cơ sở thế lực , nói rõ hơn , để "trồng người " vào nội bộ dân tộc ta , ngõ hầu xử dụng họ như một " đạo quân nội ứng " khi hữu sự . Chúng ta đã trải qua nhiều tang tóc , đau thương chỉ vì ngoại bang đã dùng đất nước ta làm nơi tranh giành thế lực giữa họ với nhau : đừng để thảm kịch này tái diễn !
Làm thế nào để thực hiện một nền trung lập pháp lý ? Phỏng theo hai tiền lệ Thụy Sĩ và Áo Quốc , tôi thấy rằng cần có một Bản Tuyên Bố Trung Lập do Chính quyền chính thức đưa ra . Sau đó , cần ghi điều cam kết này vào Hiến Pháp , rồi tổ chức một cuôc trưng cầu dân ý để chấp thuận điều khoản Hiến Pháp mới ấy . Bước chót là đệ trình bản cam kết trung lập của ta trong một Hội Nghị Quốc Tể để được các nước chấp nhận . Một khi ta là thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc , việc này có thể coi là khả thi .

Sau khi đạt được mục tiêu vừa kể , Việt Nam nên tiến thêm một bước nữa :Đó là vận động thành lập một khu vực trung lập bao gồm không những các nước Đông Dương cũ ( Việt Nam , Cam Bốt , Lào ) mà cả Thái Lan , Miến Điện là những nước kế cận Trung Hoa ở phương Nam .
Đây không phải là một ý kiến mới mẻ vì nó đã được đưa ra từ tháng 9 năm 1966 trong một bài diễn văn long trọng của Cố Tổng Thống Pháp De Gaulle đọc tại Nam Vang : De Gaulle gợi ý là cả khu vực Đông Nam Á nên trung lập hóa , trước hiểm họa chiến tranh nóng bỏng giữa Hoa Kỳ và Phe Cộng Sản ( Liên Xô - Trung Cộng ) . Lời khuyến cáo này đã không đem lại kết quả đáng kể nào vì cả hai phía Cộng Sản và Chống Cộng đều tin tưởng là mình có thể chặn đứng đối phương bằng võ lực . Bốn mươi năm đã trôi qua : Tình hình quốc tế thay đổi sâu xa . Tư tưởng " đối đầu để xác định thắng bại " dần dần nhường chỗ cho tư tưởng " toàn cầu hóa " , ngụ ý là các thể chế tạm thời (?) khác nhau có thể giao lưu trong hòa bình để thực hiện một cuộc phát triển kinh tế bền vững có lợi cho toàn nhân loại . Trong hoàn cảnh mới này , thực thể quốc gia dân tộc ( Etats nationaux ) đưa tơi sự cạnh tranh tự do giữa những nước mạnh yếu , giầu nghèo rất chênh lệch . Để cưỡng lại thế áp đảo đương nhiên của các đại cường , những nước nghèo yếu như Việt Nam muốn trung lập cần phải kết liên với càc nước láng giềng cùng cảnh ngộ , cùng chí hướng : có như thế mới tạo được một " khả năng mặc cả " khiến các đối tác phải nể nang .
Tôi tin rằng những nước kể trên sẽ vui lòng kết liên với Việt Nam để tạo thành một khu vực trung lập vì các lý do sau đây : a) Cũng như ta , họ phải đối phó với xu hướng bá quyền truyền thống của Trung Quốc ; b) Những nước này đã quen hợp tác với nhau trong khung " Ủy Ban Quốc Tế Cửu Long Giang " : Ai nấy đều lo ngại trước dự định của Trung Quốc xây nhiều đập trên thượng nguồn sông Cửu Long khiến toàn vùng trung và hạ lưu của sông này bị thiếu nước ; c) Không một nước nào có đủ phương tiện để chống lại quân lực của Trung Quốc nếu xẩy ra một cuộc xung đột : để giải quyết các vụ tranh chấp hiện tại và tương lai chỉ còn một đường lối là điều đình và vận động dư luận quốc tế . Sư kết liên thành một khu vực trung lập mang lại cho các nước thành viên một thế điều đình mạnh mẽ hơn là nếu điều đình tay đôi với một đại cường ; d) Sau hết khỏi cần nói là ở vị trí hội viên Hội Đồng Bảo An Việt Nam dễ thuyết phục các nuớc láng giềng hợp tác với mình .

Để kết luận : Ba công tác nên làm trong nhiệm kỳ 2 năm của Việt Nam ở Hội Đồng Bảo An là dân chủ hóa thể chế chính trị để kiện toàn nền độc lập của xứ xở ; biến tình trạng trung lập thực tế hiện thời thành quy chế trung lập pháp lý bền vững ; vận động thành lập một khu vực trung lập với các nước láng giềng ở phương Nam Trung Quốc . Thời gian hai năm không có là bao : nếu hoàn thành được mấy công tác ấy cũng đáng coi là một thành tích hãn hữu ./.
Paris 19 tháng 10 năm 2007
G.S Vũ Quốc Thúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét