Đảng Cộng sản vừa quỷ quyệt, vừa ma quái, vừa dối trá, với một guồng máy tuyên truyền rả rích ngày đêm để đồng hóa “Đảng” với Dân Tộc với Tổ Quốc. Mặt khác lại xử dụng một guồng máy công an sẵn sàng xuống tay đàn áp mọi khác biệt để trói chặt Dân Tộc và Tổ Quốc Việt Nam trong gọng kềm bạo lực của “Đảng”.
Ở hải ngọai, để giữ gìn mảnh đất tự do, 36 năm qua người Việt tỵ nạn đã duy trì một lập trường dứt khóat không chấp nhận cộng sản. Lập trường này đã giúp xây dựng được một Cộng đồng Người Việt Tự Do vững chắc luôn hướng về Quốc Nội, sát cánh cùng đồng bào trong nước đấu tranh để giải thể chế độ cộng sản. Đây là mặt tích cực.
Mặt tiêu cực là từ định kiến cá nhân (hay tổ chức) một số người lại xây dựng những lập trường cá nhân (hay tổ chức). Phương cách đấu tranh dựa trên định kiến, một đôi khi người đấu tranh không phân biệt được đâu là dân tộc đâu là đảng Cộng sản. Nếu chúng ta chưa phân biệt được đâu là dân tộc đâu là đảng Cộng sản, chúng ta sẽ còn tiếp tục tự trói chúng ta và càng ngày càng xa cách dân tộc đang tiếp tục quằn quại trong gông cùm của bạo quyền cộng sản.
Hai bài “Xuân Hòa Giải Dân Tộc” và “Đôi Điều Tâm Sự Về Bài Viết “Xuân Hòa Giải Dân Tộc” ?” đã nhận được rất nhiều góp ý của bạn đọc khắp nơi, bài này xin đựơc làm rõ hơn một số vấn đề.
Hòa Giải Hòa Hợp là gì ?
Hòa giải và hòa hợp là hai cụm từ khác nhau diễn tả hai hành động khác nhau. Hòa giải là đi tìm đồng thuận từ mọi bất đồng, mọi khác biệt, mọi tranh chấp.
Tin tưởng, lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau không phải chỉ là căn bản của sinh họat dân chủ mà cũng là phương tiện để hòa giải mọi vấn đề. Khi đã hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau chúng ta mới có thể hòa hợp để cùng hướng về tương lai.
Trên bình diện dân tộc, hòa giải để hòa hợp là quá trình chấp nhận sự thật để giảm thiểu phân hóa xã hội và cùng hướng về tương lai. Quá trình này tiến hành liên tục qua nhiều giai đọan như đã được trình bày trong bài “Xuân Hòa Giải Dân Tộc”. Vì thế hòa giải và hòa hợp dân tộc là nhu cầu thiết yếu khi cuộc đấu tranh của chúng ta đang bước sang một giai đọan mới giai đọan Vận Động Quần Chúng nổi dậy giải thể chế độ cộng sản và để xây dựng một Việt Nam Tự Do Dân Chủ.
Hòa Hợp Hòa Giải với Đảng Cộng Sản ?
Người cộng sản thường tuyên truyền hãy hòa hợp trước rồi mọi việc sẽ hòa giải sau. Nhưng với chủ trương tiêu diệt đối lập, lịch sử đã chứng minh hòa hợp với đảng Cộng sản là chọn đường chết, đường tù đày hay đừơng làm thân nô lệ. Cuộc đấu tranh cho dân chủ vì thế không chấp nhận việc cá nhân hay tổ chức thương lượng với đảng Cộng sản để phân chia quyền lực (ảo). Xin xem phần cuối của bài “Xuân Hòa Giải Dân Tộc”.
Hòa Giải Hòa Hợp với Đảng Cộng Sản ?
Có lập luận cho rằng đảng Cộng sản cần nhận và xin lỗi thì dân tộc sẽ tha thứ. Bài “Xuân Hòa Giải Dân Tộc” chứng minh đảng Cộng sản không có một chút thiện chí nào để nhận tội mà họ đã đang và sẽ tiếp tục gây ra cho dân tộc. Các tội ác như Cải cách ruộng đất, Diệt chủng Mậu Thân 1968, và nhiều tội ác khác, ngày nay vẫn còn bị che đậy. Chính lãnh đạo cộng sản biết rõ khi họ đưa sự thực ra ánh sáng thì tự nó cũng sẽ dẫn đến sự cáo chung của chế độ. Chính vì vậy họ tiếp tục ngụy tạo lịch sử và tuyên truyền dối trá.
Cộng sản là tội ác vì thế không thể hòa giải hay chấp nhận tội ác. Hồ chí Minh và tập đòan lãnh đạo cộng sản (xưa và nay), chính là những người đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra tội ác họ sẽ phải nhận phán xét từ lịch sử và từ dân tộc.
Đảng Cộng sản không hợp pháp trong thể chế đa đảng
Chủ trương và Cương lĩnh của đảng Cộng sản là bạo lực cách mạng, là độc quyền đảng trị. Vì thế tại các quốc gia dân chủ đảng Cộng sản đã bị cấm họat động hay bị đặt ngòai vòng pháp luật, tương tự trong trường hợp Việt Nam Tự Do.
Đó là chưa kể cộng sản đã gây ra biết bao tội ác. Do đó cũng tương tự như Đông Âu và Sô Viết, chế độ cộng sản phải bị giải thể.
Nhiều đảng viên cộng sản ngày nay đã bàn đến việc tách đảng Cộng sản ra thành hai hay thành nhiều đảng nhỏ chính là vì những người này đã nhận ra cộng sản là tội ác và chủ trương của đảng này không thể được chấp nhận trong sinh họat dân chủ tương lai. Cũng như mọi công dân khác các đảng viên này sẽ có quyền tự do sinh họat chính trị trong vòng luật pháp quốc gia.
Có cần hòa giải dân tộc hay không ?
Một bạn đọc góp ý : “Thực ra không có việc hòa giải dân tộc, vì dân tộc không bất hòa với chúng ta người trong hay ngoài nước, mà giữa những người theo chủ nghĩa đấu tranh giai cấp và dân tộc. Như Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nói trong lúc ngài huy đông người dân chống Pháp và thực hiện chương trình chính trị hóa quốc dân, ngài nói dân tộc Việt nam cần giải trừ sự thống trị cùa ngoại xâm vì mọi người dân đều là dân bị trị cả, thế nhưng đáng cộng sản thực hiện cuộc đấu tranh giai cấp ngay trước khi đất nước độc lập, thời gian đấu tố xảy ra ở Nghệ An Hà Tình gọi Sô Viết Nghệ Tỉnh gây nên cái chết cho hàng trăm ngàn địa chủ, cuối cùng Hồ phải thủ nhận đó là sự sai lầm.” Góp ý trên cũng tiêu biểu cho suy nghĩ của nhiều bạn đọc. Giữa đại đa số các thành viên trong cộng đồng dân tộc quả thực không có bất hòa hay hận thù. Chúng ta chỉ có những khác biệt do chiến tranh và phân hóa ý thức hệ do cộng sản tạo ra.
Một thí dụ điển hình là ông Trần Văn Thiêng một tù nhân chính trị với 26 năm tù đày. Khi vừa được thả một mặt đã báo động cho thế giới như sau :“Nhân đây tôi xin báo động với công luận thế giới là hiện nay họ đối xử với tù nhân nói chung và bệnh tù nói riêng rất là ác độc. Bây giờ nếu thế giới muốn biết VN có nhân đạo hay không thì cứ đi tới thăm nghĩa địa của trại Z30A thì sẽ thấy mộ nhiều hơn nấm.” Mặt khác ông chia sẻ suy nghĩ về: "Nền dân chủ thật sự không có kẻ thắng người thua, tất cả người dân Việt Nam đều hưởng lợi và sẽ không có sự trả thù trong chính trị".
Tư tưởng của ông Trần Văn Thiêng có phải chính là nhờ xây dựng dựa trên quan niệm sống bao dung, hoà đồng của cộng đồng dân tộc Việt Nam . Quan niệm này dựa trên tình cảm, tránh bất đồng, tránh tranh chấp “lấy tình thương xóa bỏ hận thù” và “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”.
Trên mạng Tin Tức Hằng Ngày, từ Nha Trang bạn đọc Hồng Lan góp ý như sau: “Nếu đòi hoà giải dân tộc là một chính sách thực-sự-được-thi-hành của đảng CSVN thì đó là ảo tưởng. Nhưng nếu chúng ta tìm cách hoà giải, hoà hợp với những cá nhân bên kia chiến tuyến, “bên kia” của ý thức hệ và nhận thức thì lại hoàn toàn khả thi. Một người bị tuyên truyền quá thiên lệch (dù thuộc bên nào) thì cũng không phải là người sẵn-sàng-hoà-giải. Cho nên, kiên trì vận động, thuyết phục nhau luôn là cần thiết.”
Bạn đọc Montaukmosquito lại góp ý: “Nói về dân chúng, hòa giải đã xong từ lâu rồi. Mạng talawas, tiền vệ, dân luận x-cafe là những bằng chứng trên mạng. Đời thường cũng thế, Nguyễn Khải kể về tiếp xúc với giới văn nghệ miền Nam từ hồi xa xưa. Tới thế hệ của tôi chả còn gì để hòa giải. Bạn bè bên vàng bên đỏ đủ cả, có dịp vẫn chén chú chén anh như thường.”
Từ Nha Trang bạn đọc Hồng Lan trả lời góp ý của bạn đọc Montaukmosquito như sau: “Thật đáng mừng là một bộ phận người Việt đã có thể bắt tay nhau hòa giải. Nhưng thực tế, đó mới chỉ là giới trí thức, người có học, có hiểu biết tình hình xã hội thực hòa giải. Chứ đại bộ phận nhân dân VN vẫn còn bị đảng CSVN dùng những băng khẩu hiệu về XHCN, về “chiến thắng vĩ đại 1975″, “giải phóng”… đẹp đẽ bịt mắt nên không biết đảng chia rẽ dân tộc (để dễ cai trị). Chúng tôi – những người yêu tự do trong nước, muốn hòa giải – sẽ làm hết sức để người người VN hiểu sự thật, tiến tới hoà giải, hòa hợp.”
Chúng ta may mắn được sống trong thời đại của Thông tin Tòan cầu, hết sức dễ dàng để chúng ta có thể lắng nghe nhau và tôn trọng ý kiến của nhau. Và đúng như suy nghĩ của độc gỉa Hồng Lan, hòa giải dân tộc cần được xem là một quá trình chấp nhận sự thật để giảm thiểu phân hóa xã hội và cùng hướng về tương lai. Người đấu tranh cho dân chủ cần nắm vững quan điểm này và cố gắng từng bước thực hiện quá trình hòa giải dân tộc. Nghĩa là người đấu tranh cho dân chủ cần dựa trên sự thực lịch sử dùng lý luận ôn hòa để thuyết phục lẫn nhau, thuyết phục quần chúng.
Có hòa giải, dân tộc mới hòa hợp và như thế mới tổng hợp được sức mạnh của quần chúng để đồng lòng vùng lên giành lại các quyền tự do đã bị đảng Cộng sản cướp mất từ 60 năm nay.
Những người lãnh đạo phong trào dân chủ cần nhận lãnh trách nhiệm hòa giải dân tộc, hôm nay để hướng dẫn quần chúng đứng lên và ngày mai để xây dựng một Việt Nam Tự Do. Vai trò những người lãnh đạo phong trào hôm nay và đất nước ngày mai không phải đứng ra nhận tội ác do đảng Cộng sản gây ra. Họ chỉ nhận lãnh trách niệm làm sáng tỏ sự thật để hòa giải dân tộc.
Như vậy đấu tranh cho hòa giải dân tộc chính là đấu tranh để giải thể chế độ cộng sản. Và ngược lại cuộc đấu tranh để giải thể cộng sản chính là để chính thức hòa giải dân tộc. Đây cũng là quá trình để xây dựng nền tảng cho một thể chế tự do dân chủ.
Nói rõ hơn hòa giải hòa hợp dân tộc là nền tảng để tập trung nội lực cùng đứng lên giải thể chế độ cộng sản và bắt tay xây dựng một Việt Nam Tự Do mai sau. Chính đảng Cộng sản đang sợ việc hòa giải hòa hợp dân tộc sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Việt Nam .
Hòa Giải Giữa Những Người Đấu Tranh Cho Dân Chủ
Như đã nói bên trên cũng cùng đấu tranh giải thể chế độ cộng sản, nhưng mỗi người, mỗi tổ chức lại xây dựng dựa trên những định kiến để đề ra những lập trường khác biệt, và chỉ cần những khác biệt nho nhỏ là chúng ta thẳng tay công kích lẫn nhau tạo mất đòan kết liên tục tồn tại trong sinh họat của cộng đồng chúng ta trong suốt 35 năm qua. Nhiều khi công kích nhau chỉ vì cảm tính thay vì lắng nghe, tìm hiểu và tôn trọng lẫn nhau.
Việc này nay lại lan rộng trên cộng đồng mạng. Một cộng đồng bao gồm nhiều người sống trong nước cũng như tại hải ngọai. Một cộng đồng với nhiều người trước đây sống trên hai “chiến tuyến” khác nhau. Trong bài “Đôi Điều Tâm Sự Về Bài Viết “Xuân Hòa Giải Dân Tộc” ?”, người viết đã đưa ra một số những thí dụ điển hình và cụ thể để chỉ ra phương cách đấu tranh dựa trên định kiến và lập trường cá nhân (hay tổ chức) là không còn thích hợp.
Cũng những chuyện xảy ra ở Trung Đông, người thì cố gắng chứng minh là bất bạo động, người khác thì cho rằng kết quả của một cuộc cách mạng bạo động. Thử nghĩ nếu những người xuống đường biểu tình đều có những suy nghĩ trái chiều như vậy thì họ sẽ quay sang đánh nhau đến chết thay vì đồng tâm hợp lực để lật đổ bạo quyền.
Sự thành công của một cuộc cách mạng thiếu lãnh đạo, như đã xảy ra tại Trung Đông là một sự phân công uyển chuyển của khối quần chúng mang quyết tâm giành lại chính quyền. Khó cho chúng ta nhìn thấy hết những nỗ lực trước khi cuộc biểu tình nổ ra và trong khi cuộc biểu tình tiến hành. Nhìn chung đa số quần chúng là ôn hòa. Thành phần ôn hòa giữ vai trò vận động, điều hành cuộc biểu tình và hòa giải hay thương lượng với công an và quân đội để tránh chuyện súng nổ. Nhưng khi súng đã nổ, máu đã đổ, xung đột đã xảy ra là thời điểm của người bạo động, nếu cần sẽ họ là những người hy sinh để đa số quần chúng tiến lên hòan thành sứ mạng lịch sử.
Vì bạo quyền cộng sản sẽ không dễ dàng từ bỏ quyền lực. Nên chủ trương ôn hòa, bất bạo động và quyết tâm của quần chúng cách mạng sẽ giảm thiểu xương máu mà cuộc cách mạng phải trả. Nhưng chấp nhận cách mạng là chấp nhận hy sinh và Tổ quốc sẽ muôn đời ghi nhớ.
Phương cách đấu tranh dựa trên định kiến và lập trường cá nhân (hay tổ chức) nói trên liên tục tạo ra một tình trạng phân hóa, mất đòan kết trong cộng đồng của chúng ta. Cuối cùng cũng đều là những người chống cộng lại quay ra xem nhau như kẻ thù trong khi đảng cộng sản vẫn tiếp tục cầm quyền.
Nếu phương cách đấu tranh dựa trên định kiến và lập trường vẫn tiếp tục thì Việt Nam khó giành lại quyền tự quyết dân tộc và nếu có giành lại đựơc từ tay cộng sản thì Tự Do Dân chủ cũng sẽ không bao giờ đến với dân tộc Việt Nam .
Để giảm thiểu tiêu cực nêu trên, để dồn nỗ lực đối kháng cộng sản, người Việt dân chủ cần dựa trên sự thực lịch sử dùng lý luận ôn hòa để thuyết phục lẫn nhau, thuyết phục quần chúng. Đây chính là là nỗ lực hòa giải dân tộc và hóa giải cộng sản. Nỗ lực này cần tiếp tay đẩy mạnh khi cuộc đấu tranh của chúng ta đang bước sang một giai đọan mới giai đọan Vận Động Quần Chúng nổi dậy giải thể chế độ cộng sản xây dựng một Việt Nam Tự Do Dân Chủ.
Kết Luận
Cuộc cách mạng tại Tunisia và tại Ai Cập như một cơn bão của quần chúng đứng lên quét sạch chế độ độc tài. Tinh thần cách mạng quần chúng đang lan sang các quốc gia Trung Đông, Phi Châu và Á Châu. Tinh thần ấy đã đến với dân tộc Trung Hoa, rồi dân tộc Việt Nam để sửa sọan cho ngày Tòan Dân đứng dậy giải thể chế độ cộng sản.
Bài học lớn nhất từ Tunisia và Ai cập là thiếu lãnh tụ nhưng quần chúng lại thống nhất một ý chí quyết tâm giải thể độc tài.
Cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam cũng thế không lãnh đạo, cá nhân đòan thể thiếu đòan kết, vì thể không thể nào thống nhất trong cùng một tổ chức. Trong hòan cảnh thực tế này hòa giải hòa hợp dân tộc chính là chất keo gắn bó với nhau để thống nhất một ý chí. Ý chí đồng tâm vận động đồng bào cùng đứng lên giành lại chính quyền để giải thể chế độ cộng sản và xây dựng một thể chế tự do dân chủ.
Chất keo này cũng gắn bó chúng ta đứng cùng một phía, phân công nhiệm vụ, phân chia công tác để hòan thành sứ mạng lịch sử.
Ứơc mong bạn đọc đã nhận ra nhu cầu hòa giải và hòa hợp dân tộc (và cương quyết không bắt tay với đảng Cộng sản) là một nhu cầu bức thiết và không thể thiếu được trong quá trình vận động quần chúng đứng lên giải thể cộng sản xây dựng tự do.
Xin hướng về nhau, xin nói với nhau những lời hòa giải để ngày mới sẽ đến với Việt Nam quê hương của chúng ta.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
23/2/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét