Trên trang mạng Bách Việt, ông Trần Kinh Nghị có bài “Di sản Hán Việt”*. Sau khi nhận định: quãng trên dưới 70-80 % từ vựng tiếng Việt có thành tố Hán-Việt, ông cho rằng “nếu vì một lý do nào đó mà để ngôn ngữ nước mình bị một ngôn ngữ khác lấn át và tình trạng lấn át kéo dài chắc chắn sẽ dẫn đến nguy cơ bị đồng hóa hoặc thoái hóa.” Kết thúc bài viết, ông đề nghị Nhà nước có biện pháp hạn chế việc dùng từ Hán Việt để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Đồng cảm với nỗi bức thúc của ông nhưng nhận thấy đây là vấn đề lớn và không hề đơn giản, chúng tôi xin thưa lại đôi lời.
- I. Có đúng tiếng Việt vay mượn từ ngôn ngữ Hán?
Muốn giải quyết thỏa đáng chuyện này, không còn cách nào khác là phải đi tới tận cùng cội nguồn ngôn ngữ, không chỉ của người Việt mà cả của người Trung Hoa.
Nửa sau thế kỷ XIX, ngay khi chưa đặt xong ách đô hộ trên toàn cõi Vệt Nam, những học giả người Pháp đã có mặt để nghiên cứu thiên nhiên, con người, văn hóa, xã hội xứ Annam. Từ kết quả nghiên cứu, năm 1898, nhà nước bảo hộ Pháp cho thành lập Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội. Đứng đầu lĩnh vực khoa học nhân văn là những nhà Hán học như E. Aymonier, L. Maspéro… Là học giả phương Tây, họ mang quan niệm Âu trung: châu Âu là trung tâm của văn minh nhân loại. Là nhà Hán học, họ theo thuyết Hoa tâm: Trung Hoa là trung tâm của châu Á. Họ cũng chịu ảnh hưởng của tri thức sai lầm đương thời cho rằng, con người từ Tây Tạng xâm nhập Trung Quốc rồi sau đó xuống Việt Nam và Đông Nam Á nên ánh sáng văn minh cũng từ Trung Hoa lan tỏa tới phương Nam. Khi nghiên cứu tiếng nói của người Việt Nam, họ có trong tay những bộ từ điển Trung Hoa đồ sộ như Từ Hải, Tứ khố toàn thư, Khang Hy… Trong khi đó, tiếng Việt chỉ có Từ điển Việt-Bồ-La của Alexander de Rhodes cùng Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, hai cuốn sách nhỏ, tập hợp từ ngữ Việt chữ Latinh mới có khoảng 300 tuổi. Bằng thao tác đơn giản là thống kê, so sánh những từ được cho là gốc Hán có trong tiếng Việt, họ eureka: “Tiếng Việt mượn khoảng 70% từ Hán ngữ!”